* Bài viết này của cô giáo Nguyễn Thị Hòa hưởng ứng Giải báo chí "Giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương" do VTC News chủ trì tổ chức, góp thêm một ý kiến nhỏ để chung tay bảo vệ môi trường sống an toàn hơn.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn cần một môi trường không khí trong lành, thoáng mát và dễ chịu. Chính vì vậy, ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách, bởi nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà chúng ta phải gánh chịu.
Do đó, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là cần thiết và là một giải pháp bảo vệ môi trường thiết thực cho toàn nhân loại. Đặc biệt, với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe mỗi người như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh trên toàn thế giới.
Thực tế đó đòi hỏi thế giới phải chung tay, khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn.
Thói quen sử dụng túi nilon của người dân
Hiện nay, con người quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa sử dụng dùng một lần, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Ví dụ điển hình như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Túi nilon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen thường ngày của không ít người dân. Với đa số người dân có thói quen đi chợ đựng đồ bằng túi nilon đã trở nên phổ biến với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp.
Túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Bên cạnh mặt lợi là rẻ, bền, tiện dụng, túi nilon tiềm ẩn mặt hại bởi nó là vật liệu dẻo nên rất khó phân hủy và khi tiêu hủy sẽ không cháy hết, gây mùi hôi khó chịu với người hít phải.
Quá trình phân hủy túi nilon có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm
Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.
Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Cụ thể, túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
Cây trồng không sinh trưởng xanh tốt sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống con người và vạn vật bởi cây trồng giúp cho chúng ta nhiều việc như chống sụt lở, sói mòn, không ngập nhà ngập cửa, đường phố.
Ở miền núi, người dân trồng rừng để không bị nước lũ cuốn trôi nhà cửa, động vật nuôi, đường xá. Tuy nhiên, nếu người dân miền núi không biết quý trọng cây rừng mà cứ chặt phá cây trồng thì sẽ không giữ được nguồn tài nguyên rừng. Đến mùa mưa lũ thì sẽ bị sói mòn, lở đất, cuộc sống người dân sẽ không yên bình nữa.
Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh, như bệnh chân tay miệng, bệnh hô hấp, bệnh uốn ván... Đây là những bệnh nguy hiểm mà chúng ta hay mắc phải, đặc biệt là trẻ em, còn người lớn thường mắc về các bệnh hô hấp.
Ngoài ra, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơnp tới sức khỏe mỗi người. Thực tế, nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…
Một số giải pháp khắc phục
Để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon, người tiêu dùng cần hạn chế sử dụng túi nilon hằng ngày bằng cách sử dụng túi dùng nhiều lần và có khả năng phân huỷ sinh học khi đi mua hàng; không nên dùng túi nilon rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng, có vị chua.
Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy định.
Để thực hiện hiệu quả giảm thải rác nhựa, đặc biệt là túi nilon, hình thức tuyên truyền cũng cần phong phú, đa dạng và nổi bật.
Các địa phương cần tập trung và tổ chức thường xuyên, đồng loạt lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa, tổ chức các hoạt động tuyên truyền có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như phong trào nói không vời sản phẩm nhựa và tùi nilon dùng một lần chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom sử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước...
Thường xuyên treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền như mang theo túi đựng có thể tái sử dung để hạn chế túi nilon khi đi mua sắm hàng hóa, dùng chai lọ thủy tinh để đựng đồ thay cho chai lọ nhựa, không dùng đồ đựng thực phẩm bằng nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định, không bỏ rác xuống ao, hồ, sông nước...
Mặc dù đó đều là những hành động nhỏ nhưng mang một ý nghĩa lớn, các cuộc phát động phong trào sẽ có tác động trực tiếp tới giác quan và dần đến nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp dần từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, loại bỏ túi ilon và sản phẩm nhựa. Đây là một thông điệp quan trọng và cần thiết mà mọi người nên ghi nhớ.
Mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực như thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, mỗi cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.