Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao Việt Nam chưa áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19?

Bộ Y tế đang nghiên cứu, xem xét thử nghiệm hộ chiếu vaccine tại các khu du lịch hoặc một số sân golf.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đang làm việc với các bộ ngành để đưa ra phương án triển khai hộ chiếu vaccine tại Việt Nam.

"Hộ chiếu này thực chất là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước", ông Tấn nói.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc áp dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam cần hết sức thận trọng và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu.

Nguyên nhân

Cục trưởng Đặng Quang Tấn cho biết có một số vấn đề cần lưu ý thận trọng khi áp dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam.

Đầu tiên, vaccine chỉ có tác dụng làm giảm, hạn chế tỷ lệ trầm trọng của người tiêm trong trường hợp họ mắc COVID-19, còn liên quan việc di chuyển chưa được khuyến cáo.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn trình bày đề xuất của Bộ Y tế về phương án triển khai hộ chiếu vaccine hôm 9/4. (Ảnh: VGP).

Hai là vấn đề về hiệu lực vaccine. Hiện nay, nhiều vaccine lưu hành trên thế giới như AstraZeneca, Pfizer, Moderna với hiệu quả bảo vệ cao, thấp khác nhau. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ chấp nhận vaccine nào, quốc gia khác chấp nhận vaccine nào?

"Với vaccine hiệu lực thấp, những người rơi vào trường hợp này dù đã được tiêm vaccine sẽ như thế nào. Điều này cần phải tìm hiểu thêm thông tin", ông Tấn nói.

Thứ ba, nhiều quốc gia có tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tiêm phòng cao, miễn dịch cộng đồng của họ cao hơn. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia “sạch” do kiểm soát tốt dịch và 22 ngày chưa ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Ông Đặng Quang Tấn nhấn mạnh hiện tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam chưa đạt yêu cầu do khan hiếm vaccine và nhiều lý do khác. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam rất thấp.

Nếu triển khai hộ chiếu vaccine, chúng ta không quản lý chặt với người đã được tiêm vaccine vào Việt Nam, có thể làm lây nhiễm virus ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được.

Ngoài ra, việc triển khai hộ chiếu vaccine phải được xem xét áp dụng với quốc gia nào, áp dụng với các nước có quan hệ đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các quốc gia, áp dụng với vaccine nào và cách đi lại ra sao.

Có thể thử nghiệm

Liên quan thông tin một số địa phương như Phú Quốc, Quảng Nam có đề xuất áp dụng cho khách du lịch ngắn ngày, không di chuyển nhiều, ông Tấn cho rằng đó có thể là mô hình cần thử nghiệm.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng cơ quan chức năng phải quản lý nghiêm ngặt người đến, đòi hỏi chính quyền địa phương, công an, cơ quan chủ quản phải quản lý rất chặt chẽ… không được để khách đi ra ngoài.

Ông Tấn cho biết những trường hợp vào khu cách ly ban đầu xét nghiệm âm tính nhưng sau đó lại dương tính, nếu không quản lý chặt họ ra ngoài cộng đồng, nguy cơ lây lan rất cao.

Bác sĩ Calvin Q. Trịnh, chuyên khoa Y học thể thao và Phục hồi chức năng sau sinh, trở về từ Mỹ với hộ chiếu vaccine. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp). 

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, WHO chưa có khuyến cáo áp dụng hộ chiếu vaccine tại thời điểm này. Trên thế giới, Singapore đang áp dụng nhưng chỉ thí điểm trên phạm vi rất hẹp, vừa tham khảo, vừa thăm dò. Một số quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản... cũng mới đưa ra vấn đề áp dụng hộ chiếu vaccine nhưng chưa áp dụng.

"Chúng tôi đang nghiên cứu xem các quốc gia trên thế giới áp dụng như thế nào để đưa ra một số mô hình, thử nghiệm tại sân golf, khu du lịch nhỏ. Hiện Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra phương án đề xuất phối hợp cơ quan chuyên môn khác cùng xây dựng. Việc triển khai hộ chiếu vaccine có thể không đợi hướng dẫn chính thức của WHO nhưng còn phải tham khảo nhiều", ông Tấn nói.

Vị lãnh đạo này cho biết triển khai hộ chiếu vaccine sẽ hỗ trợ từng bước việc mở lại đường bay thương mại quốc tế, tạo điều kiện các chuyên gia vào Việt Nam, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề này không phải là "một sớm một chiều", cần có sự trao đổi, thảo luận chặt chẽ.

Hiện nay, Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan đang tìm hiểu thông tin và xây dựng các phương án, như áp dụng hộ chiếu vaccine cho người từ quốc gia nào về, cách ly như thế nào.

“Bước đầu chúng tôi thống nhất những người được tiêm vaccine đủ theo khuyến cáo nhà sản xuất, nhà chuyên môn, trước tiên có thể được giảm thời gian cách ly. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của cơ quan tham mưu, vẫn phải chờ quyết định của lãnh đạo Bộ Y tế hoặc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19”, ông Tấn nói.

Nguồn: Zing News

Tin mới