Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Trung Quốc nỗ lực phát triển nền kinh tế tầm thấp?

(VTC News) -

Nền kinh tế tầm thấp được xem là con đường quan trọng để Trung Quốc phát triển các lực lượng sản xuất chất lượng mới và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế tầm thấp, bao gồm các hoạt động kinh tế diễn ra ở độ cao dưới 1.000 m so với mặt đất (có thể mở rộng trong phạm vi 3.000 m tùy theo đặc điểm khu vực), lấy hoạt động bay tầm thấp với thiết bị bay có người lái và không người lái làm đầu tàu, lan tỏa và thúc đẩy phát triển hội nhập các lĩnh vực liên quan.

Ô tô điện bay XPeng Voyager X2 cất cánh trong chuyến bay trình diễn tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/6. (Ảnh: Reuters)

Vào tháng 3, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố trong báo cáo công tác chính phủ các kế hoạch "thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới" trong các lĩnh vực như sản xuất sinh học, không gian thương mại, và nền kinh tế tầm thấp.

Đến tháng 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 tái khẳng định trọng tâm phát triển hàng không chung và nền kinh tế tầm thấp trong phiên họp toàn thể lần thứ ba.

Có thế thấy, nền kinh tế tầm thấp hiện trở thành con đường quan trọng để Trung Quốc phát triển các lực lượng sản xuất chất lượng mới và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Duy trì phát triển kinh tế lâu dài

Nền kinh tế tầm thấp trước tiên thể hiện mong muốn của chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách phát triển các ngành công nghiệp mới và khám phá các cơ hội mới nổi.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái những năm gần đây, giới quan sát cho rằng Trung Quốc nên mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy tiêu dùng, giải quyết khó khăn kinh tế từ phía cầu.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc dường như có cách tiếp cận khác biệt đối với tăng trưởng kinh tế. Họ tin rằng việc thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi như nền kinh tế vùng thấp là điều cần thiết để duy trì sự đổi mới và tinh thần khởi nghiệp. Chiến lược này đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững của Trung Quốc trong nhiều năm và được dự báo sẽ tiếp tục thể hiện quan trọng trong tương lai.

Lấy nền kinh tế tầm thấp làm ví dụ, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, các công ty khởi nghiệp như Ehang, AutoFlight, XPeng Aeroht và TCab Tech đã nhanh chóng vươn lên và trở thành những công ty chủ chốt trong ngành.

Trong khi ở Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp thường thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi, thì điều này khá hiếm ở các nền kinh tế Đông Á khác. Nguyên nhân là do các ngành công nghiệp mới nổi đi kèm với những rủi ro và sự bất định lớn, khiến khu vực tư nhân thường do dự tham gia.

Nhiều nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp chỉ ra rằng các công ty khởi nghiệp mới, phát triển nhanh mang lại thu nhập cao hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn so với các doanh nghiệp truyền thống trong các ngành hiện có, và có thể là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Máy bay không người lái chở khách chạy bằng điện của EHang tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC) ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 4/7. (Ảnh: NCAviation)

Phát triển các kịch bản ứng dụng mới

Sự phát triển của nền kinh tế tầm thấp còn phản ánh mục tiêu cơ bản của chính phủ Trung Quốc là cung cấp các kịch bản ứng dụng cho các công nghệ mới và đảm bảo vị trí dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR).

Trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung, Trung Quốc luôn nhấn mạnh lợi thế độc đáo của mình là có những kịch bản ứng dụng phong phú nhất thế giới dành cho các công nghệ mới .

Trung Quốc không chỉ có nhu cầu cao với các công nghệ mới do quy mô lớn của ngành sản xuất, mà còn nỗ lực không ngừng giới thiệu các kịch bản mới bằng cách phát triển các ngành công nghiệp mới nổi. Nền kinh tế độ cao thấp chắc chắn là một nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc nhằm tạo ra một kịch bản mới.

Nền kinh tế tầm thấp là một hệ thống rộng lớn và phức tạp không chỉ liên quan đến các công nghệ thiết bị thông minh cho máy bay như máy bay không người lái (UAV) và máy bay cất - hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL), mà còn cả các công nghệ năng lượng mới liên quan đến pin và trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng cho xe tự lái.

Việc hiện thực hóa các công nghệ này liên quan chặt chẽ đến các công nghệ nền tảng như mô hình hóa kỹ thuật số, mô phỏng ảo, cảm biến thông minh và thị giác máy. Tất cả những công nghệ mới này đều là công nghệ then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nền kinh tế độ cao thấp có thể tạo ra nhu cầu lớn đối với những công nghệ mới này và thúc đẩy quá trình thương mại hóa của chúng.

Nhiều ngành công nghiệp hiện đang tích cực khám phá các kịch bản ứng dụng khả thi cho nền kinh tế tầm thấp. Trong đó, UAV là kịch bản trưởng thành nhất, với khả năng ứng dụng trong công tác hậu cần, tuần tra giao thông, cứu hộ khẩn cấp, khảo sát và lập bản đồ, vận chuyển hàng hóa.

Công nghệ eVTOL cũng đang dần hoàn thiện và ngày càng có nhiều kịch bản ứng dụng có người lái được phát triển trong tương lai.

Máy bay vận tải không người lái hai động cơ quy mô lớn được chế tạo bởi công ty Sichuan Tengden Sci-tech Innovation, đậu tại Sân bay Hàng không Tổng hợp Phụng Minh ở thành phố Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 11/8. (Ảnh: Reuters)

Cần nới lỏng kiểm soát không phận

Cuối cùng, sự phát triển của nền kinh tế vùng thấp cũng chứng tỏ chính phủ Trung Quốc luôn sẵn sàng coi việc phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới là cơ hội để thúc đẩy cải cách thể chế và thiết lập các quan hệ sản xuất mới.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi không chỉ bị hạn chế bởi tiến bộ công nghệ mà còn bởi quan hệ sản xuất tụt hậu so với sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của nền kinh tế tầm thấp là sự kiểm soát chặt chẽ không phận của Trung Quốc. Các quốc gia có nền kinh tế tầm thấp phát triển đều trải qua quá trình chuyển đổi quản lý không phận từ quân sự sang dân sự.

Ví dụ, tại Mỹ, các nguồn tài nguyên không phận dần chuyển sang sử dụng cho mục đích dân sự trong vài thập kỷ qua, với sự kiểm soát của quân đội hiện chiếm chưa đến 20%.

Sự phát triển của nền kinh tế tầm thấp có thể thúc đẩy Trung Quốc nới lỏng kiểm soát không phận.

Tháng 11 năm ngoái, Cục Hàng không Dân dụng và các cơ quan khác đã ban hành dự thảo quy định về quản lý không phận để lấy ý kiến. Tài liệu này chỉ định không phận lớp G và lớp W dưới 300 m là không phận không kiểm soát, giúp đơn giản hóa đáng kể các thủ tục phê duyệt cho các chuyến bay ở độ cao thấp.

Trong tương lai, việc các khu vực khác nhau xây dựng những quy tắc chi tiết về quản lý không phận, thực hiện và phối hợp với các khu vực khác sẽ trở thành trọng tâm của cải cách quản lý không phận ở Trung Quốc.

Ding Ke, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Kinh tế Phát triển thuộc Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản, cho rằng nền kinh tế độ tầm thấp là một trong nhiều lĩnh vực liên quan đến các lực lượng sản xuất chất lượng mới ở Trung Quốc. Dù vậy, ngay cả khi phát triển thuận lợi và đạt quy mô nghìn tỷ nhân dân tệ trong vài năm tới, ngành này vẫn khó có thể trở thành ngành trụ cột như bất động sản hoặc xe năng lượng mới.

"Tôi tin rằng miễn là các ngành công nghiệp và hướng đi mới như nền kinh tế tầm thấp, công nghệ mới và các kịch bản mới tiếp tục xuất hiện, đồng thời các cải cách thể chế tương ứng tiếp tục tiến triển, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có thể duy trì sức sống của mình trong một thời gian dài", Ding nói.

Hoa Vũ (Nguồn: ThinkChina)

Tin mới