Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao phải gấp rút ‘cứu’ Vietnam Airlines?

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng là hãng hàng không quốc gia nên Vietnam Airlines cần thiết phải duy trì một cơ thể khỏe mạnh để làm nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Chiều 17/11, Quốc hội đồng ý đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Nhận định việc hỗ trợ Vietnam Airlines là cần thiết, song vẫn có ý kiến băn khoăn “vì sao lại chỉ cứu Vietnam Airlines” trong khi nhiều hãng bay tư nhân khác cũng đang khốn đốn vì đại dịch?

Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu

"Cứu” Vietnam Airlines không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị, xã hội.

Trả lời VTC News về trường hợp đặc biệt này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) đánh giá, việc "giải cứu" Vietnam Airlines là không sai nếu xét trên khía cạnh chủ sở hữu của Chính phủ. "Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu ngành, năng lực cạnh tranh tốt, trước dịch COVID-19 làm ăn rất hiệu quả. Thứ nữa, Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ an toàn cho phần vốn của mình, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông khác, người lao động và giữ ổn định hoạt động kinh tế nói chung", ông Long phân tích.

Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, nếu không hỗ trợ Vietnam Airlines thời điểm này, hệ lụy sẽ vô cùng lớn, không những phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đổ sông đổ bể mà an sinh xã hội cũng bị ảnh hưởng do hàng ngàn lao động mất việc. Tuy nhiên, về khía cạnh quản lý Nhà nước, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cho rằng Chính phủ nên có các biện pháp mạnh tay để hỗ trợ cả các hãng hàng không khác.

Thực tế, việc Quốc hội đồng tình để Nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines không gây quá nhiều bất ngờ, bởi đã được giới chuyên gia dự đoán từ trước, sau khi phân tích nhiều nguyên nhân. Tại toạ đàm “Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu COVID-19” - trường hợp Vietnam Airlines” do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cũng đã mổ xẻ vấn đề vì sao cần khẩn trương "cấp cứu" Vietnam Airlines.

Theo đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế CIEM, cho rằng là hãng hàng không quốc gia nên Vietnam Airlines cần thiết phải duy trì một cơ thể khỏe mạnh để làm nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước và bộ mặt ngành hàng không những năm tiếp theo.

Nguyên Viện trưởng CIEM cũng lưu ý không nên dùng từ “giải cứu” với Vietnam Airlines bởi cần tránh nhầm lẫn giữa vai trò là cơ quan quản lý và vai trò chủ sở hữu của Chính phủ.

“Với các số liệu đầy đủ, minh bạch chứng minh tài chính bị ảnh hưởng do đại dịch và là trường hợp rất điển hình, Vietnam Airlines là hãng bay bị tác động sâu nặng nhưng cũng là nhân tố đầu tiên phục hồi nhanh nhất. Vietnam Airlines không phải là đơn vị phải xin Chính phủ hỗ trợ hay “giải cứu” mà Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu phải có hành động cũng như trách nhiệm với các biện pháp hoặc chính sách tháo gỡ”, ông Cung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Vietnam Airlines do Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên khi làm ăn có lãi, lợi nhuận của Vietnam Airlines cũng là lợi nhuận của Nhà nước. Nay Vietnam Airlines gặp khó khăn vì dịch COVID-19, nên cổ đông Nhà nước cần có trách nhiệm với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết, Chính phủ đã thống nhất không dùng từ “giải cứu” doanh nghiệp mà phải có hành động và trách nhiệm. Với trường hợp của Vietnam Airlines, Chính phủ đưa ra nhiều nhóm giải pháp lớn nhằm tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, ông Kiên cũng nhấn mạnh từ Chỉ thị 11 của Thủ tướng đến Nghị quyết 42 của Chính phủ, Nhà nước đã hỗ trợ chung cho ngành hàng không như giảm phí bãi đỗ, phí hạ cất cánh, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế xăng dầu, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ cũng đã triển khai.

Chia sẻ với VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH Đoàn Bến Tre) cũng khẳng định: Vietnam Airlines là doanh nghiệp đặc thù, do đó việc “cứu” hãng hàng không này không chỉ gói gọn trong vấn đề kinh tế.

Vietnam Airlines là doanh nghiệp có đến gần 90% là vốn nhà nước. Tài sản của Vietnam Airlines là tài sản của nhà nước vì thế đặt vấn đề giải cứu chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội chứ không còn là vấn đề kinh tế độc lập”, ông Nhưỡng nói.

Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cho rằng nếu để Vietnam Airlines phá sản, sẽ kéo theo hệ lụy rất lớn, khiến hàng vạn lao động mất việc, các doanh nghiệp cung ứng cũng phá sản, ngân hàng lao đao, thậm chí ngân sách nhà nước cũng sẽ gặp khó.

Giải pháp đặc biệt cho tình thế đặc biệt

PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, Nhà nước không đủ tiền để cứu tất cả doanh nghiệp. Do đó phải chọn những doanh nghiệp để khi cứu doanh nghiệp đó cũng là cứu nền kinh tế. “Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, đưa giải pháp đặc biệt rồi xong cũng phải trao “kiếm lệnh” để thực thi giải pháp bởi nếu không sẽ bị trói buộc bởi rất nhiều quy định”, ông Thiên nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho rằng cần xử lý tháo gỡ theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không chỉ theo các khung pháp lý, quy định sẵn có. Việc này phải triển khai nhanh, ngay để có được các giải pháp khả thi, không tạo áp lực cân đối thu chi trong tương lai cho ngân sách và Vietnam Airlines. “Với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ có thể hỗ trợ về thanh khoản, tăng vốn chủ sở hữu, cho vay về từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm…”, ông Trung nói.

Từ đó, ông Trung đề xuất, phần vốn do SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines cần được xác định là tài sản của SCIC đầu tư vào doanh nghiệp khác và không nên áp dụng quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại Nghị định 91 nêu trên. Đồng thời, việc SCIC đầu tư vốn vào Vietnam Airlines không trái với chức năng, nhiệm vụ của SCIC trong việc đầu tư, kinh doanh vốn.

Theo Nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần với ngân hàng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vietnam Airlines cũng sẽ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo quy định của Luật Chứng khoán, nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ là đơn vị thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua, đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.

Hòa Bình

Tin mới