Trả lời VTC News, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, so với tháng 2 của năm 2016, 2020, thì tháng 2/2024 cường độ nắng nóng có phần gay gắt hơn.
Nhiệt độ cao nhất ghi nhận trong tháng 2/2016 và 2020 là 37 độ C tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), năm nay nhiệt độ cao nhất tính đến hiện tại là 38 độ C (tại TP Biên Hòa vào ngày 15/2).
Dự báo năm nay thời tiết TP.HCM và khu vực Nam Bộ sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày. (Ảnh minh họa)
“Dự báo năm 2024 nắng nóng diễn ra gay gắt, sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày liên tục, tập trung trong tháng 3 và tháng 4. Nắng nóng xảy ra diện rộng với cả khu vực Nam Bộ”, ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, nguyên nhân nắng nóng kéo dài ở TP.HCM và khu vực Nam Bộ sau Tết Giáp Thìn chủ yếu do hệ thống thời tiết trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ hoạt động mạnh chi phối chính đến thời tiết khu vực Nam Bộ.
"Đây là trường phân kỳ nên làm hạn chế bốc hơi nước, không khí bị khô, độ ẩm không khí thấp, khó đạt điều kiện hình thành mây nên bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp xuống, làm cho nhiệt tăng cao.
Hàng năm, thời điểm những ngày đầu tháng 2, không khí lạnh còn hoạt động khá mạnh nên khuếch tán sâu xuống phía Nam làm cho nhiệt giảm. Tuy nhiên, thời điểm những ngày vừa qua, áp cao lạnh lục địa phần lớn di chuyển lệch về phía Đông, không lấn sâu xuống phía Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống thời tiết tác động chủ yếu là áp cao cận nhiệt đới trên tầng cao”, ông Quyết nói.
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hạn hán có thể sẽ xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mức độ hạn hán cao hơn năm 2023, tuy nhiên sẽ không gay gắt như những năm 2015 - 2016, 2019 - 2020.
Với dự báo hạn hán xảy ra trên diện rộng, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ lưu ý người dân cần có các giải pháp để điều tiết nguồn nước ngọt hợp lý, đồng thời lưu ý vấn đề cháy nổ, cháy rừng.