Nghiên cứu đưa ra kết luận trên tập trung vào những bệnh nhân COVID-19 tại một mạng lưới bệnh viện đại học ở vùng đông bắc nước Pháp.
Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu của 72 bệnh nhân COVID-19 dưới 50 tuổi phải nhập viện. Trong đó có 47 ca bệnh nặng và 25 ca không nguy kịch, cộng với 22 tình nguyện viên khỏe mạnh.
Không ai trong số các trường hợp trên có bệnh mạn tính. Đó là yếu tố làm tăng nguy cơ COVID-19 trở nặng, chẳng hạn như bệnh tim hoặc tiểu đường.
(Ảnh minh họa: Reuters).
Phân tích di truyền đã xác định 5 gene bị điều chỉnh hoặc hoạt động tích cực hơn đáng kể ở những bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng, trong đó gene phổ biến nhất có tên là ADAM9.
Trong phòng thí nghiệm, các tác giả đã lấy mẫu tế bào phổi của người mắc COVID-19. Họ nhận thấy việc ngăn chặn hoạt động của gene ADAM9 khiến virus khó tạo ra các bản sao.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu khẳng định cần phải tìm hiểu thêm để xác nhận những phát hiện trên và liệu có nên phát triển các phương pháp điều trị để ngăn chặn ADAM9 hay không.
Trước đây, giới chuyên môn đã có các bằng chứng cho thấy nhiều người trẻ khỏe trở nặng do gặp phải hiện tượng “bão cytokine”.
Thông thường, khi bị virus tấn công, cơ thể người khỏe mạnh sẽ tiết ra chất cytokine để chống lại các mầm bệnh. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, lượng cytokine quá nhiều, tiêu diệt cả tế bào lành, ảnh hưởng tới các cơ quan khác.
Điều này dẫn tới hiện tượng đáng sợ ở một số người nhiễm COVID-19, họ vật vã trải qua tuần đầu và bắt đầu cảm thấy khỏe hơn. Rồi đột ngột, họ bị nặng hơn.
“Lúc đầu, họ chỉ cần cung cấp thêm một chút oxy. Nhưng trong vòng 24 giờ, họ phải lắp máy thở”, bác sĩ Pavan Bhatraju, làm việc tại Khu Chăm sóc Tích cực, Trung tâm Y tế Harborview (Seattle, Mỹ), nói.
“Điều đó giống như khi chuông báo cháy kêu không ngừng và bạn sẽ liên tục gọi lính cứu hỏa. Rồi tới lúc bạn sẽ có quá nhiều người tới giúp dập lửa”, nhà dịch tễ học Jessica Hamerman giải thích.