Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao HLV Park Hang Seo không gọi lứa Công Phượng, Quang Hải là thế hệ vàng?

(VTC News) -

HLV Park Hang Seo trải lòng về tuyển Việt Nam trong ngày cuối cùng của năm 2021, với những phát biểu khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ.

Những ngày cuối cùng của năm âm lịch luôn là khoảng thời gian sum họp gia đình, ôn lại năm cũ để hướng tới năm mới với khởi đầu mới nhiều hy vọng hơn. 

Với tuyển Việt Nam, thất bại tại AFF Cup đã khép lại một chu kỳ thành công kéo dài 4 năm với nhiều vinh quang rực rỡ của thầy trò HLV Park Hang Seo. Trước trận gặp tuyển Trung Quốc vào tối mùng 1 Tết, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã trải lòng về tuyển Việt Nam. 

Tuyển Việt Nam thua cả 7 trận đầu vòng loại World Cup 2022. 

Ông nói: "Chúng ta đã thua liền 7 trận. Báo chí và người hâm mộ đều có ý kiến phân tích, đánh giá. Những ý kiến ấy chúng tôi luôn tiếp thu. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam đã nỗ lực hết sức. 60 năm rồi tuyển Việt Nam mới lọt vào vòng này (vòng loại thứ ba World Cup).

Với giải đấu lần đầu tham gia, sao có thể đảm bảo thành công ngay. Việc xây dựng thế hệ tiếp theo, xây dựng nền tảng cơ sở là điều cần bàn thảo, các nhà chuyên môn, báo chí nên đề cập đến vấn đề đó để chuyên môn nền bóng đá tốt hơn".

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là phát biểu phủ nhận khái niệm "thế hệ vàng". HLV Park Hang Seo nói: "Có rất nhiều người nói đây là thế hệ vàng. Tôi không đồng ý. Kết quả này là sự tổng hòa của nhiều thứ, từ nỗ lực của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), của các cơ quan nhà nước, của các CLB chuyên nghiệp.

Thế hệ này là thế vàng, còn thế hệ sau mà thành công thì nên gọi là thế hệ gì? Thế hệ kim cương ư? Chúng ta cần nỗ lực nhiều nữa để phát triển". 

Hồi tháng 6/2021, sau khi tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại 3 World Cup 2022, HLV Park Hang Seo khẳng định: "Nhiệm vụ của tôi như vậy là xong!". Với ông thầy 63 tuổi, việc tuyển Việt Nam có mặt ở vòng loại cuối cùng đã là kỳ tích.

Bóng đá Việt Nam còn non trẻ, nếu đặt cạnh Australia, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út - những nền bóng đá dự World Cup như… cơm bữa. Ngay cả Trung Quốc và Oman cũng là những đỉnh núi cao. 

HLV Park Hang Seo muốn người hâm mộ phải thực tế. 

Đúng là trong bóng đá, chiến thuật hợp lý, lối chơi khoa học cùng nỗ lực tập thể đôi khi có thể tạo ra bất ngờ - thứ mà tuyển Việt Nam làm được trong suốt 4 năm. Dù vậy, những trận đấu tốt không phản ánh toàn cục sức mạnh của nền bóng đá.

Tuyển Việt Nam đã lâng lâng trong khoảng thời gian dài, và chỉ có khó khăn trần trụi ở vòng loại cuối cùng mới kéo thầy trò HLV Park Hang Seo cùng người hâm mộ trở lại mặt đất.

"Vòng loại thứ ba World Cup khó hơn Asian Cup. Đó là sân chơi các đội mạnh triệu tập lực lượng tốt nhất, chiến đấu vì danh dự và thi đấu không khoan nhượng.

Hơn nữa, Asian Cup là giải đấu ngắn ngày, thi đấu liên tục nên còn có chỗ cho bất ngờ. Còn vòng loại World Cup trải rộng trong nhiều tháng, các đội tuyển với tiềm lực mạnh có thừa thời gian để sửa sai nên mọi thứ rất khó khăn, dù tuyển Việt Nam đã tiến bộ nhờ tài thao lược của HLV Park Hang Seo", BLV Vũ Quang Huy chia sẻ với VTC News.

Đội tuyển Nhật Bản "chệch bánh" ở 3 trận đầu, nhưng đã hồi phục đúng lúc nhờ quãng nghỉ cuối năm 2021 để thắng một lèo. Tương tự là Australia, Oman hay phần nào là Trung Quốc. Những nền bóng đá mạnh, có thừa con người và dư địa luôn tạo ra khác biệt, mà các trận đấu chỉ là bề nổi. 

So với những đại diện hùng mạnh bậc nhất châu Á, quả thực bóng đá Việt Nam còn nhiều hạn chế, từ chất lượng con người, khâu tổ chức, tính chuyên nghiệp. Do đó, tuyển Việt Nam cần có những va chạm ở sân chơi đỉnh cao để tích lũy. "60 năm rồi mới được dự vòng loại cuối, sao có thể đòi hỏi thành công ngay", HLV Park Hang Seo đặt dấu hỏi. 

HLV Park Hang Seo cho rằng tuyển Việt Nam đã chơi hết khả năng. 

Ông không muốn gọi thế hệ hiện tại là "vàng", bởi thành tích của bóng đá Việt Nam những năm qua được xây dựng bởi nhiều con người, nhiều CLB, nhiều nhà đầu tư trong một hệ thống bóng đá đang chuyển mình. Các cầu thủ được hưởng lợi từ sự chuyên nghiệp ấy và mang về thành công, chứ không một mình làm nên tất cả.

Muốn phát triển bóng đá Việt Nam thì không nên chỉ nhìn vào mỗi đội tuyển để đánh giá, mà phải nhìn tổng thể vào cả hệ thống ấy để cái gì chưa được thì khắc phục. 

Gọi thế hệ này là thế hệ vàng, đôi khi lại là gây áp lực lên học trò của HLV Park Hang Seo, khi khoảng cách giữa ĐTQG với nhóm đầu châu Á còn xa.

Đó có lẽ là mong muốn của thầy Park trong những ngày cuối năm. Phân tích những tiểu tiết đằng sau thất bại không cần thiết bằng việc lên kế hoạch để tuyển Việt Nam có thêm nhiều lần nữa được dự vòng loại cuối cùng World Cup.

Đó là hướng đi đúng đắn. Phải đi nhiều thì mới thành đường và có những thứ phải trải qua thất bại, thậm chí thua nhiều lần mới vỡ lẽ để trưởng thành hơn. Bóng đá là một trong số đó.

Hồng Nam

Tin mới