Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, sở dĩ việc đưa vào triển khai sau hơn 10 ngày ban hành là văn bản mang tính chất "gối đầu" cho các địa phương. Việc phòng chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh chính thức triển khai vào đầu năm 2022 là để các địa phương có thời gian chuẩn bị.
“Nhiều chuyến đi của bà con từ nước ngoài về, hoặc du khách từ nước ngoài sang Việt Nam có sự chuẩn bị từ rất lâu. Nếu ban hành rồi đưa vào thực hiện ngay sẽ gây khó khăn cho họ. Khi ban hành văn bản, Bộ Y tế đã tính tới chuyện này và cho rằng độ “trễ” khi thực hiện quy định mới từ khi bắt đầu ban hành cho tới khi triển khai chính thức là khoảng hơn 1 tuần.
Đây là khoảng thời gian hợp lý để cả người nhập cảnh cũng như địa phương chuẩn bị thật tốt. Tôi cũng mong bà con thông cảm, vì nếu ban hành mà thực hiện ngay thì các địa phương sẽ chuẩn bị không kịp”, ông Sơn nói.
Bộ Y tế quy định người nhập cảnh vào Việt Nam từ 1/1/2022 phải có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, nếu tiêm đủ vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19, chỉ phải cách ly tại nhà, khách sạn, nơi lưu trú trong 3 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3. (Ảnh minh hoạ: SKĐS)
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, do là văn bản mang tính chất thông báo nên cần phải có độ “trễ” nhất định. Văn bản cũng liên quan tới nhiều cơ quan như Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự … bắt buộc phải có thời gian từ khi ban hành tới khi triển khai, chứ không thể đưa vào thực hiện ngay.
Một nguyên nhân khác, hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp. Do vậy, trước khi quy định cách ly, xét nghiệm với người nhập cảnh được triển khai thì Việt Nam cũng cần thận trọng, lắng nghe thông tin tình hình dịch trên thế giới để thực hiện sao cho hợp lý.
Ngoài ra, với tình hình hiện nay tại Việt Nam, việc để hơn 1 tuần sau mới áp dụng theo văn bản cũng giúp các địa phương có thời gian tăng tốc hơn nữa trong độ bao phủ vaccine COVID-19 trên địa bàn. “Chuẩn bị trước hơn 1 tuần như vậy tôi cho là hợp lý, để khi đi vào triển khai chúng ta mới thực hiện tốt”, ông Sơn nhấn mạnh.
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng cho rằng, việc Bộ Y tế kéo dài thời gian ban hành văn bản cho tới khi thực hiện khoảng hơn 1 tuần là việc nên làm. Hiện tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Việt Nam ở mức cũng khá cao. Hơn nữa, quy định cũng nêu rõ những trường hợp nào khi nhập cảnh về Việt Nam mới cách ly tại nhà 3 ngày, trường hợp nào cách ly 7 ngày, trước khi nhập cảnh và sau khi hết cách ly phải có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Thế giới vừa ghi nhận thêm biến chủng Omicron, chủng này mới nên chưa có nhiều thông tin cụ thể. Do vậy, Việt Nam cũng cần từng bước thận trọng, vừa nghe ngóng thông tin quốc tế, vừa thực hiện các văn bản áp dụng cho người nhập cảnh. Bởi chủng mới nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam vẫn là qua con được nhập cảnh.
Ngoài ra, việc để thời gian hơn 1 tuần mới đưa vào thực hiện quy định mới về cách ly, xét nghiệm đối với người nhập cảnh cũng là để các địa phương chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như tăng độ bao phủ vaccine cao hơn.
“Trễ hơn 1 tuần là hợp lý. Chúng ta cũng cần phải thận trọng nghe ngóng thông tin trên thế giới về biến chủng mới Omicron. Ngoài ra, thời gian này cũng là để các địa phương tăng tốc độ bao phủ vaccine, phòng trường hợp nếu có sự lây lan dịch bệnh, vaccine giúp tốc độ lây lan chậm hơn hoặc thậm chí bị cắt đứt sự lây nhiễm đó”, BS Khanh nói.
Ngày 16/12, Bộ Y tế có văn bản số gửi các đơn vị về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh. Bộ Y tế quy định tất cả những trường hợp trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi).
Với người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19, chỉ phải cách ly tại nhà, khách sạn, nơi lưu trú trong 3 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3. Nếu kết quả âm tính, từ ngày thứ 4 đến thứ 14, người nhập cảnh chỉ phải theo dõi sức khỏe thay vì phải cách ly tập trung 7 ngày sau đó như hiện nay.
Thời gian thực hiện cách ly, những trường hợp này phải tự theo dõi sức khỏe và không được ra khỏi nhà, không được tiếp xúc với người ở cùng nhà, cùng nơi lưu trú.
Với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Những trường hợp này xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày.