Bồn cầu là nơi có nhiều vi khuẩn và thường bị bẩn nhất, nhưng tại sao mọi người vẫn ưa chuộng bồn cầu có màu trắng hơn là màu tối, mặc dù màu tối có chức năng che các vết bẩn tốt hơn? Rất nhiều người từng thắc mắc như vậy và dĩ nhiên, tất cả đều có lý do của nó.
Lợi thế của chất liệu sứ
Sứ là vật liệu cứng, chi phí khá rẻ và có độ bền ổn định. Sau khi nung, bề mặt sứ trở nên bóng sáng, không thấm nước và không bị ố, giúp dễ dàng cọ rửa và làm sạch ngay cả khi nó có màu trắng. Vì thế, nhà sản xuất không ngại chọn màu trắng cho bồn cầu dù vật dụng này rất dễ bẩn.
Sứ sẽ có màu trắng khi được nung ở nhiệt độ cao. Nếu muốn tạo màu sắc khác, người ta cho thêm bột màu vào trước khi men khô trong lò. Nhưng để tiết kiệm chi phí và thời gian, thay vì thêm công đoạn đổ màu cho bồn cầu, người ta chọn cách đơn giản hơn là để nó nguyên bản màu trắng.
Màu trắng gắn liền với sự sạch sẽ
Màu sắc có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta theo những cách khác nhau. Mặc dù có thể có sự khác biệt về văn hóa hoặc giới tính trong cách chúng ta cảm nhận các sắc thái, màu trắng luôn đem lại cho chúng ta cảm nhận về sự sạch sẽ, an toàn và tinh khiết. Đây cũng là lý do tại sao khu bệnh viện và phòng tắm thường được sơn màu trắng để tạo ấn tượng về không gian sạch và vô trùng.
Thực tế, đã có những mẫu thiết kế toilet được trang trí với màu sắc hay hình ảnh sặc sỡ được bày bán ở các cửa hàng, nhưng khi nhìn vào tổng thể, chúng vẫn không bắt mắt và được ưa chuộng bằng mẫu toilet trắng đơn giản.
Đồng thời, các màu tối như đen và nâu thường gợi đến điều gì đó tiêu cực,đem lại cảm giác chật chội hơn với nhà vệ sinh vốn có diện tích nhỏ. Ngược lại, màu trắng ngoài việc đem đến cảm giác tích cực, tươi mới thì nó còn tạo cảm giác rộng rãi và thích hợp với bất kỳ thiết kế nào, hay bất kỳ kích thước nhà vệ sinh nào.
Một lý do nữa là bụi bẩn hay vi khuẩn trên nền trắng cũng dễ nhận biết hơn. Điều này khuyến khích mọi người cọ rửa toilet thường xuyên hơn. Vì vậy, màu trắng luôn là gam màu được lựa chọn nhiều nhất.