Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao bệnh nhân 449 lọt qua hàng loạt bệnh viện mà không xét nghiệm COVID-19?

(VTC News) -

Nhiều ý kiến băn khoăn vì sao bệnh nhân 449 (bệnh nhân đầu tiên ở TP.HCM) trong làn sóng COVID thứ 2 đi qua hàng loạt bệnh viện mà không làm xét nghiệm COVID-19.

Thông tin về lịch trình di chuyển của 2 ca nhiễm COVID-19 mới tại TP.HCM đang được nhiều người quan tâm, trong đó không ít người đặt ra thắc mắc tại sao trước khi đến và xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Quốc tế City, dù đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Triều An nhưng 2 bệnh nhân này không được xét nghiệm.

Về vấn đề này, trong buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều tối 29/7, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã có những lý giải.

Cụ thể, theo ông Dũng, ngày 20/7 bệnh nhân 449 mới có mặt tại TP.HCM. Thời điểm này, cả nước chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng sau hơn 3 tháng (99 ngày) và bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ.

"Bệnh nhân 449 bị viêm phổi, tiền sử trên 10 năm và đã điều trị viêm phổi từ trước. Thêm vào đó, 3 năm qua ông này chỉ ở Việt Nam, không đi nước ngoài. Trước đó Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cũng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi, tràn khí màng phổi...", Giám đốc HCDC thông tin.

Ngày 27/7, Bệnh viện Quốc tế City lấy mẫu dịch mũi, họng của bệnh nhân 449 và vợ để xét nghiệm COVID-19 và cho kết quả dương tính. (Ảnh: Minh Huy)

Do thời điểm bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy cả nước không có ca nhiễm mới trong cộng đồng hơn 3 tháng liền, cùng với các triệu chứng và bệnh án nên bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm phổi do vi trùng.

Tuy chưa có dấu hiệu nhiễm COVID-19 nhưng ngay khi được chuyến đến Bệnh viện Chợ Rẫy, do có vấn đề về hô hấp nên bệnh nhân 449 được chuyển thẳng vào phòng cách ly của khoa Cấp cứu, không vào trong khoa. Tất cả các nhân viên y tế khám cho bệnh nhân cảnh giác ngay từ đầu, mặc đồ bảo hộ đầy đủ.

Đồng thời, bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy và chỉ lưu lại 10 giờ (từ tối 20/7 đến sáng 21/7), và sau đó bệnh nhân từ chối được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy nên đã được chuyển đến Bệnh viện Triều An.

Đến Bệnh viện Triều An, bệnh nhân này được chuyển thẳng vào phòng cách ly áp lực âm. Song chỉ ở đây khoảng 1 tiếng đồng hồ, bệnh nhân lại tiếp tục yêu cầu được chuyển qua Bệnh viện Quốc tế City.

"Do thời gian bệnh nhân lưu lại bệnh viện rất ngắn, có thể do bệnh nhân muốn được đến một bệnh viện có cơ sở tốt hơn nên đã chuyển qua Bệnh viện Quốc tế City", ông Dũng nói.

Đến ngày 27/7, Đà Nẵng ghi nhận nhiều ca dương tính trong cộng đồng. Lúc này, với những dấu hiệu nghi ngờ, Bệnh viện Quốc tế City đã lấy mẫu dịch mũi, họng của bệnh nhân 449 và vợ để xét nghiệm COVID-19 và cho kết quả dương tính.

Ngay sau khi có kết quả 2 bệnh nhân dương tính COVID-19, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Bệnh viện Quốc tế City ngưng tiếp nhận người bệnh mới trong vòng 3 ngày, khử khuẩn khách sạn Thanh Danh 2 (đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy), khu vực nơi bệnh nhân 450 lui tới nhiều lần.

Trả lời cho câu hỏi, vì sao Bệnh viện Quốc tế City ngưng hoạt động 3 ngày, còn Bệnh viện Chợ Rẫy thì không, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Chợ Rẫy) thông tin: "Thời điểm bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy là lúc Đà Nẵng vẫn chưa phát hiện ca bệnh đầu tiên nhưng do nghi bệnh nhân viêm phổi nhiễm trùng nên chúng tôi đã có sự cảnh giác bằng cách đưa vào phòng cách ly, trang bị bảo hộ. Sau khi thăm khám, chúng tôi chỉ định nhập viện nhưng bệnh nhân từ chối và xin chuyển sang Bệnh viện Triều An".

Đồng thời, xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chở bệnh nhân đi thẳng vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay từ đầu, bệnh nhân này đã được cách ly riêng như một bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, có 27 người tiếp xúc với bệnh nhân 449 ở Bệnh viện Chợ Rẫy đều có kết quả âm tính. Đây là lý do không cần phong tỏa Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân 449 có phải F0?

Sau khi phát hiện ca bệnh 449 (bệnh nhân đầu tiên ở TP.HCM trong làn sóng COVID thứ 2), trên nhiều diễn đàn những ngày qua cộng đồng mạng bắt đầu truy lùng ca F0 trong dịch COVID-19 ở Đà Nẵng.

Trong đó có người cho rằng khả năng cao bệnh nhân 449 ở TP.HCM là F0. Nam bệnh nhân 57 tuổi, võ sư người Mỹ, là một trong hai ca nhiễm virus corona vừa được công bố tại TP.HCM.

Trong một tháng, từ ngày 26/6 đến khi xác định dương tính với virus corona, người này điều trị ở 6 bệnh viện cả Đà Nẵng và TP.HCM. Các bệnh viện là Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Chợ Rẫy, Triều An, Quốc tế City,. Hiện bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Trong đó ông này điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng tới ngày 20/7, cũng là thời điểm bệnh nhân 418 chăm người nhà ở đây và sau đó là ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng ở đợt dịch thứ hai.

Đó là căn cứ khiến nhiều người cho rằng bệnh nhân 499 mới là F0.

Về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, dịch COVID-19 xảy ra ở Đà Nẵng đến thời điểm này vẫn là "bất ngờ". Cả hệ thống y tế, phòng dịch vẫn đang truy tìm nguồn gốc xem họ lây nhiễm từ đâu, F0 từ đâu. 

Theo bác sĩ Khanh, khó khẳng định bệnh nhân 499 là F0 bởi ông này không ra ngoài nước và ở bệnh viện rất lâu. Biết đâu người này có thể cũng là “nạn nhân” từ nguồn lây ở các bệnh viện Đà Nẵng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy "bệnh nhân 449" là một F0 lây nhiễm virus corona tại Đà Nẵng.

Thy Huệ

Tin mới