Năm 2010, con số ngân quỹ các CLB V-League cần đảm bảo theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp chỉ là 15 tỷ đồng. Không phải VFF vô cớ đưa ra mức sàn này.
Trao đổi với người viết, ông Phạm Ngọc Viễn, từng kinh qua một loạt vị trí lớn ở cả VFF và VPF cho biết, VFF phải thực hiện khảo sát các đội bóng, “đếm” tới từng khoản chi nhỏ để xác định số tiền một đội bóng ở V-League cần sử dụng cho mỗi mùa giải. Nó bao gồm cả ngân sách hoạt động cho đội 1 gồm tiền lương, chuyển nhượng, di chuyển, ăn uống…và kinh phí đào tạo trẻ.
Cần rất nhiều tiền để nuôi một đội V-League.
Quy định là vậy nhưng ở nhiều giai đoạn, bóng đá Việt Nam chứng kiến mức chi tiêu khủng khiếp của nhiều đội bóng. Có thể kể tới những cái tên như Hà Nội T&T (hiện nay là CLB Hà Nội), Becamex Bình Dương, Sài Gòn Xuân Thành, HAGL và thậm chí cả The Vissai Ninh Bình thời bầu Trường…
Số tiền các ông chủ bỏ vào đội bóng lên tới cả trăm tỷ đồng. Trước khi chia tay CLB bóng đá Thanh Hoá, FLC có mùa giải chi không dưới 130 tỷ đồng. Thanh Hoá có lúc sở hữu dàn quân cực mạnh với những cái tên “hàng tuyển” như Trọng Hoàng, Vũ Minh Tuấn hay ngoại binh Pape Omar. Hai năm liên tiếp, đội bóng xứ Thanh là đối trọng với CLB Hà Nội trong cuộc đua vô địch cho tới khi FLC nói lời chia tay.
Hà Nội cũng chính là một trong những đội bóng có mức chi khủng ở V-League. Ngoài mức lương vài chục triệu đồng/tháng cho các ngôi sao, mỗi trận thắng của CLB Hà Nội cũng có giá hàng trăm triệu đồng.
Đầu tư mua sắm cầu thủ thường “ngốn” túi tiền các ông bầu một khoản rất lớn. Becamex Bình Dương từng có giai đoạn khuynh đảo thị trường chuyển nhượng, gắn liền với danh hiệu “Chelsea Việt Nam”.
Tuy nhiên cũng nhờ vậy, đội bóng đất Thủ mới đủ sức mạnh cạnh tranh được với CLB Hà Nội của bầu Hiển mà đỉnh cao là 2 chức vô địch V-League liên tiếp các năm 2014, 2015. Tương tự, The Vissai Ninh Bình trong nhiều năm từng trở thành “trạm trung chuyển” cầu thủ với những thương vụ chuyển nhượng trên dưới chục tỷ đồng gắn với tên tuổi “siêu cò” Trần Tiến Đại.
Bầu Đức thống kê rằng ông chi tới 2.000 tỷ đồng cho bóng đá.
Ninh Bình có lúc mua cả trung vệ Như Thành và tiền đạo Việt Thắng với số tiền “lót tay” của cả hai cộng lại được cho không dưới 20 tỷ đồng. “Cò” Đại cũng là người biến Xuân Thành Sài Gòn thành một “tay chơi” khét tiếng ở V-League khi mua sắm hàng loạt ngôi sao bóng đá Việt Nam như Huỳnh Kesley Alves hay Phước Tứ. Số tiền “lót tay” Phước Tứ được nhận khi đầu quân cho đội bóng này cũng được cho lên tới 14 tỷ đồng.
Khi đưa lứa trẻ của Học viện HAGL-JMG lên chơi V-League, bầu Đức từng gây bất ngờ khi tuyên bố chỉ cần 15 tỷ đồng để nuôi một đội bóng. Tuy nhiên trong một lần chia sẻ gần đây, bầu Đức đã “thống kê miệng” rằng trong 20 năm làm bóng đá, số tiền ông phải bỏ ra lên tới 2.000 tỷ đồng, tức trung bình mỗi năm khoảng 100 tỷ.
Những người có trí nhớ tốt sẽ thấy rằng khi mới làm bóng đá, bầu Đức cũng đi theo đúng con đường nhiều ông bầu khác ở Việt Nam đều làm là tung tiền mua ngôi sao để cạnh tranh cúp vô địch, làm hình ảnh quảng bá thương hiệu.
Năm năm trở lại đây, HAGL thường xuyên lo trụ hạng nhưng gần 20 năm trước, đội bóng phố núi từng sở hữu “dream team” với một loạt ngôi sao Thái Lan như Kiatisuk, Dusit hay Thonglao… chưa kể các cầu thủ Việt Nam chất lượng cao. Nhờ vậy, đội bóng phố núi mới có 2 chức vô địch V-League liên tiếp hồi những năm 2003.
Chi “khủng” như vậy trong khi bóng đá không tạo ra được những nguồn thu trực tiếp từ tiền bán vé, áo đấu, bản quyền truyền hình… nhưng vì sao các ông bầu vẫn chấp nhận đổ tiền vào cuộc chơi. Đáp án rất dễ: tất cả đều được nhận lại phần của mình từ địa phương như dự án, đất đai bên cạnh tên tuổi trở nên nổi tiếng, nâng cao thương hiệu doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng vì vậy, khi các ông bầu gặp khó khăn, bóng đá lập tức khó thở. Trường hợp CLB bóng đá Thanh Hoá mới đây là ví dụ khi bầu Đệ yêu cầu được hỗ trợ tài chính.
Gần 10 năm trước, bóng đá Việt Nam đã đứng trước yêu cầu không sử dụng tiền ngân sách cứu các đội bóng. Đó là một trong những điều kiện cần để các đội bóng dần tự tìm cách sống được trên đôi chân của mình.