Việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển là bước đi quan trọng, giúp Stockholm tiến gần hơn việc trở thành thành viên thứ 32 của liên minh.
Sau khi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, toàn thể Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ phiếu về nghị định thư và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký phê chuẩn. Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Thổ Nhì Kỳ có thể mất vài ngày hoặc vài tuần sau khi Ủy ban Đối ngoại đưa ra quyết định.
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu thông qua nghị định thư đồng ý Thụy Điển gia nhập NATO. (Ảnh: Anadolu Agency)
Theo quy định, để trở thành thành viên NATO, Thụy Điển cần được quốc hội tất cả các nước thành viên chấp thuận. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai nước chưa "bật đèn xanh" cho Thụy Điển.
Phản ứng trước thông tin này, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói: "Chúng tôi hoan nghênh sự chấp thuận đơn đăng ký thành viên NATO của Thụy Điển tại Ủy ban Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ. Bước tiếp theo sẽ là Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu về vấn đề này. Chúng tôi mong muốn trở thành một thành viên NATO".
NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã đạt được một thoả thuận chung, trong đó Ankara dự kiến sớm phê chuẩn việc kết nạp Thuỵ Điển trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại Vilnius (Litva) vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ sau đó lại đưa ra một số điều kiện khác với Thuỵ Điển, bao gồm cam kết hợp tác chống khủng bố và đẩy nhanh hội nhập kinh tế và thị thực với Liên minh châu Âu.
Trước đó, sau khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào tháng 2/2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. Tư cách thành viên NATO của 2 quốc gia Bắc Âu này đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước thành viên khối khi ấy, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4. Sau đó, ngày 10/7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ ủng hộ việc kết nạp Thụy Điển, gạt bỏ những trở ngại cuối cùng trong việc trở thành thành viên NATO của Stockholm. Tuy nhiên, quá trình kết nạp Thuỵ Điển vẫn đang diễn ra.
Khi chính thức gia nhập khối, Thụy Điển sẽ giúp NATO tăng cường sự hiện diện tại Bắc cực. Cùng với Phần Lan, Thụy Điển đang là thành viên của Hội đồng Bắc cực - tổ chức giám sát khu vực này. Nga, Mỹ và Canada cũng đang là thành viên của hội đồng trên.