Nước cam là món đồ uống yêu thích của nhiều người. Nước cam thơm ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Vậy, uống nước cam mỗi ngày có tốt không?
Giá trị dinh dưỡng của nước cam
BS Vũ Đại Dương, chuyên khoa Dinh dưỡng (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, một cốc nước cam tươi chứa 112 calo, 2g chất đạm, 0g chất béo, 26g carbohydrate, 0g chất xơ, 21g đường.
Nước cam hầu như không chứa tinh bột hoặc chất xơ. Hầu như tất cả carbohydrate của nó đều có ở dạng đường. Đường tự nhiên (fructose) mang lại cho nước cam hương vị ngọt ngào đặc trưng.
Chỉ cần một cốc nước cam, cơ thể được đáp ứng 100% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Một phần nước cam cung cấp nhiều vitamin C hơn từ một bát cải xoăn, hai bát súp lơ hoặc ba quả cà chua cỡ vừa.
Nước cam cũng được coi là một trong những nguồn chất chống ôxy hóa tốt nhất, cùng với việc uống rượu vang, trà, ăn các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất… Chứa nhiều chất chống ôxy hóa mạnh, nước cam tác dụng chống viêm và tăng cường sức khỏe.
Uống nước cam mỗi ngày có tốt không?
Nước cam với cùi là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Các nghiên cứu chỉ ra chất xơ giúp cơ thể duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, tim mạch và một số loại ung thư.
Theo các chuyên gia, nước cam là loại đồ uống ưa thích chứa nhiều chất chống oxy hóa và vi chất dinh dưỡng như vitamin C, folate và kali. Tiêu thụ thường xuyên có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm viêm và giảm nguy cơ sỏi thận. Tuy nhiên, nó cũng chứa nhiều calo và đường, vì vậy tốt nhất bạn nên tiêu thụ vừa phải và chọn nước cam tươi vắt hoặc 100% bất cứ khi nào có thể.
Hãy tìm nước cam không chứa thêm đường và cũng nên cân nhắc nước cam có hàm lượng chất xơ cao, chứa nhiều chất xơ lành mạnh hơn. Bạn thậm chí có thể tìm thấy nước cam được tăng cường thêm canxi, cũng như vitamin D, vốn không có trong nước cam tự nhiên.
Mặc dù nước cam có thể mang lại một số lợi ích cho sức khoẻ, nhưng thành phần nước cam cũng chứa nhiều calo và đường. Hơn nữa, không giống như toàn bộ trái cây, cam thiếu chất xơ và có thể dẫn đến tăng cân.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy cân nặng có thể tăng hoặc mất kiểm soát nếu sử dụng nước cam quá nhiều. Đôi khi, nhiều loại nước cam còn chứa hàm lượng đường bổ sung cao có thể dẫn tới tình trạng tăng lượng đường trong máu.
Một số nghiên cứu phát hiện, thường xuyên uống đồ uống có đường, chẳng hạn như nước trái cây, có thể liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Thực hành kiểm soát khẩu phần hàm lượng đường trong các loại đồ uống đồng thời lựa chọn nước cam tươi vắt 100% có thể giúp tối đa hóa lợi ích sức khỏe.
Bạn cũng có thể áp dụng cách pha loãng nước cam với nước để cắt giảm lượng calo và đường để ngăn ngừa tăng cân. Với trẻ em, nên hạn chế uống nước trái cây không quá 118 ml mỗi ngày với trẻ mới biết đi từ 1–3 tuổi, 177ml đối với trẻ từ 4–6 tuổi và 240ml đối với những trẻ từ 7-18 tuổi.
Ngoài ra, do nước cam có nhiều axit nên có thể làm hỏng cấu trúc hóa học của thuốc, làm mất đi tác dụng của thuốc kháng sinh. Hơn nữa, trong nước cam có chứa chất tương tự narigin, khiến thuốc khó hấp thụ làm cho bệnh lâu khỏi. Vì vậy, nên tránh dùng nước cam khi đang uống thuốc kháng sinh.