Các chỉ huy quân sự và quan chức Ukraine đang đánh giá quá cao khả năng của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho nước này, trong bối cảnh xung đột với Nga, và Kiev đang đưa ra những yêu cầu phi thực tế, các quan chức Mỹ nói với New York Times.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cung cấp cho Kiev 111 tỷ USD hỗ trợ quân sự và kinh tế kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, Nhà Trắng mới đây cảnh báo rằng quỹ dành cho Ukraine gần như cạn kiệt. Các nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa ngăn chặn việc phê duyệt "gói an ninh quốc gia" trị giá 106 tỷ USD khác cho Ukraine và Israel.
New York Times viết rằng nhiều người ở Kiev vẫn “không nhận ra việc Mỹ tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến bấp bênh đến mức nào”. Các quan chức Mỹ giấu tên đã nói chuyện với tờ báo và nhấn mạnh rằng "Ukraine sẽ phải chiến đấu với ngân sách eo hẹp hơn".
Các nguồn tin cho biết, một số người ra quyết định của Ukraine có “những kỳ vọng không thực tế về những gì Mỹ sẽ cung cấp. Chẳng hạn, họ đang yêu cầu hàng triệu viên đạn pháo từ kho dự trữ của phương Tây - những thứ vốn không tồn tại”.
Các quan chức nói, sau thất bại trong cuộc phản công của Kiev, Mỹ và Ukraine hiện đang cố gắng vạch ra “một chiến lược mới”. Việc thực hiện chiến lược này dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm 2024 nhằm “hồi sinh vận mệnh của Kiev”.
Theo báo cáo, cho đến nay họ vẫn chưa thể tìm thấy điểm chung. Washington muốn Kiev chỉ tập trung vào việc nắm giữ những khu vực mà họ vẫn kiểm soát, đồng thời xây dựng lực lượng và nguồn cung cấp trong năm tới.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin quân đội Ukraine tỏ ra mong muốn tiếp tục tấn công quân đội Nga trên bộ hoặc thông qua các cuộc không kích nhằm “ghi được những chiến thắng mang tính biểu tượng” mà họ tin rằng sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn từ toàn cầu đến cuộc xung đột.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov.
Các quan chức cảnh báo: “Nguy cơ rất lớn” vì “nếu không có cả chiến lược mới và nguồn tài trợ bổ sung… Ukraine có thể thua trong cuộc chiến”.
Moskva nhiều lần cảnh báo rằng việc phương Tây chuyển vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến và làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. Các quan chức Nga cũng lập luận rằng việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội cho Ukraine có nghĩa là Mỹ và các đồng minh trên thực tế đã trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.
Nói về sự phụ thuộc của Kiev vào viện trợ phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói quân đội Ukraine đang "hết mọi thứ" vì "không có nền tảng riêng".