Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và nhiều lãnh đạo khác. Đây là phiên họp thứ hai nhằm góp ý cho dự thảo Nghị định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sau cuộc họp ngày 19/12, Bộ đã khẩn trương tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Nghị định sẽ có 8 Chương, 46 Điều với nhiều nội dung quan trọng.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, được quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 28 của dự thảo Nghị Định. Chiểu theo quy định này thì UBND TP Thủ Đức và cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn có không quá 5 người cho đến hết nhiệm kỳ.
Liên quan nội dung này, TP.HCM đề nghị điều chỉnh thành số lượng Phó Chủ tịch UBND TP thuộc TP.HCM và cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn có không quá 5 người cho đến hết nhiệm kỳ. Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP thuộc TP.HCM có hiệu lực thi hành, số lượng cấp phó của UBND TP thuộc TP.HCM không quá 4 Phó Chủ tịch.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, các thành viên trong ban soạn thảo, tổ biên tập, các sở, ngành, quận, huyện đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho dự thảo Nghị định trong phiên họp ngày 19/12. Sau phiên họp trên, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì phối hợp các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục góp ý sâu, kèm theo thuyết minh về các góp ý.
Ông Phong cũng cho biết, dự kiến ngày 31/12/2020, TP.HCM tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.
Về số lượng Phó Chủ tịch TP Thủ Đức, dự thảo quy định không quá 4 Phó Chủ tịch. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn thuộc TP Thủ Đức có không quá 13 phòng, gồm 10 phòng theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và 3 cơ quan khác. Dựa trên tình hình thực tiễn TP Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ cao, nên vai trò của Khoa học – Công nghệ rất quan trọng và cần thiết thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ.
“Riêng về nội dung cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định riêng”, ông Phong nói và cho rằng khi chưa có thể triển khai chính sách đặc thù thì sẽ vận dụng những điều kiện tốt nhất giúp TP Thủ Đức phát triển.