Trên các trang mạng xã hội của Nga, xuất hiện những bức ảnh về một khẩu pháo tự hành M109 Paladin của Ukraine bị hỏng nặng và dường như không thể sửa chữa được. Thời gian và địa điểm phá hủy khẩu M109 của Ukraine vẫn chưa được xác định.
Các nguồn tin của Nga cho rằng, UAV Lancet là nguyên nhân gây ra vụ tấn công hủy diệt vào khẩu pháo M109 Paladin này. Hậu quả của cuộc tấn công là một cảnh tượng khủng khiếp, khẩu pháo tự hành đã bị phá hủy hoàn toàn.
Từ bức ảnh có thể thấy, xích dẫn động bên trái của khẩu pháo M109 bị hỏng, một phần khung xe phía trên bên trái bị tách rời, phần bên trái của tháp pháo cũng vỡ toang. Khoang bên trong được thiết kế để bảo vệ kíp lái, nhưng đã bị cháy rụi, không có bất kỳ bộ phận nào có thể sửa chữa lại được.
Khẩu pháo M109 bị phá hủy hoàn toàn sau vụ tấn công của UAV Lancet. (Ảnh: Bulgarian Military)
Lớp giáp của M109
Lớp giáp của M109 được chế tạo từ hợp kim thép và có tên gọi là “Áo giáp đồng nhất” (RHA), nó có độ dày từ 13 đến 15 mm dọc theo các cạnh của khẩu pháo và chỗ dày nhất là mặt trước lên tới 19 mm. Mặc dù lớp giáp này không thể sánh với những xe tăng chiến đấu chủ lực, nhưng nó cũng đủ chắc chắn để bảo vệ kíp lái và khẩu pháo khỏi các loại vũ khí nhỏ.
Lớp giáp này đã trải qua nhiều lần cải tiến và nâng cấp, nhờ vậy mà nó được đánh giá cao. Ví dụ trên phiên bản M109A6 Paladin, nó được trang bị một lớp giáp bảo vệ bổ sung. Mẫu giáp này được thiết kế kiểu mô-đun, giúp nó có thể được nâng cấp dễ dàng hoặc cải tiến để đối phó với các mối đe dọa cụ thể.
Mặc dù được nâng cấp và cải tiến liên tục, cấu trúc chính của lớp giáp M109 vẫn không thể chịu được tác động trực tiếp từ vũ khí chống tăng hiện đại. Vì vậy, khả năng phòng thủ của M109 còn phải dựa vào tính cơ động và các thao tác điều khiển của kíp lái để né tránh các đòn tấn công.
M109 bị bỏ lại trên chiến trường Bakhmut.jpg
UAV Lancet
Được chế tạo bởi công ty ZALA Aero của Nga, máy bay không người lái cảm tử Lancet có thể mang theo một lượng chất nổ và phát nổ khi va chạm với mục tiêu. Mặc dù có kích thước nhỏ gọn, nhưng UAV Lancet vẫn mang theo lượng thuốc nổ lên tới 3 kg, đủ mạnh để gây ra sự tàn phá đáng kể, đặc biệt là khi nó nhắm vào một vị trí không có giáp bảo vệ.
Đối với mục tiêu như pháo tự hành M109 Paladin, Lancet có thể tấn công vào các vị trí hiểm yếu như lớp giáp phía trên tháp pháo, khoang động cơ ở phía sau hoặc khoảng trống nằm giữa tháp pháo và khung xe. Đánh giá theo mức độ phá hủy trong đoạn video, có thể thấy khoảng không gian giữa tháp pháo và khung xe bị ảnh hưởng nhiều nhất, cho thấy độ chính xác khi tấn công của loại UAV này.
Tổn thất M109 ở Ukraine
Theo cơ sở dữ liệu của LostArmour, những khẩu M109 Paladin đầu tiên của Ukraine chịu tổn thất trên chiến trường là vào đầu tháng 11/2022, tại vùng Nikolaev, những khẩu pháo này đến từ đơn vị M109A3GN do Na Uy viện trợ.
Bộ Quốc phòng Nga đã liên tục báo cáo về việc phá hủy M109 của Ukraine kể từ giữa tháng 1/2023. Quân đội Nga cho biết, kể từ tháng 9/2023 đến nay, các lực lượng Nga đã tiêu diệt thêm 9 đơn vị pháo binh này.
Theo báo cáo của Bộ, từ tháng 1 đến tháng 9/2023, đã có tới 58 khẩu pháo tự hành M109, trên tất cả các phiên bản bị phá hủy. Mặt khác, cơ sở dữ liệu LostArmor chỉ ghi nhận 14 chiếc, dựa trên hình ảnh và tọa độ của những khẩu M109 bị phá hủy.
Tóm lại, tính đến thời điểm hiện tại, Quân đội Ukraine đã mất ít nhất 69 khẩu pháo tự hành Paladin thuộc tất cả các mẫu, tương đương hơn 40% tổng số pháo tự hành được viện trợ. Hình ảnh từ LostArmour cũng cho thấy các thiết bị bị hư hỏng thường không thể sửa chữa được.
Pháo tự hành M109 của Ukraine.jpg
M109 cho Ukraine
Na Uy là nước đầu tiên thông báo cung cấp cho Ukraine pháo tự hành M109, quốc gia này đã bàn giao 20 khẩu M109A3GN từ kho dự trữ 56 chiếc của họ. Việc chuyển giao này được bắt đầu ngay sau thông báo và các lực lượng Ukraine đã nhanh chóng học cách vận hành những cỗ máy mới này. Đến giữa tháng 7/2023, những khẩu pháo M109 đã được sử dụng tích cực trên chiến trường.
Vào tháng 6/2023, có nhiều thông tin về việc Bỉ sắp giao pháo tự hành M109A4BE cho Ukraine. Cho đến giữa năm 2023, Bỉ đã sử dụng loại thiết bị này trước khi bán cho nhiều nước và doanh nghiệp nước ngoài. Cùng năm, Vương quốc Anh đã mua 20 khẩu M109 từ OIP Land Systems để tặng cho Kiev.
Latvia cũng đã cung cấp cho Kiev sáu pháo tự hành cải tiến M109A5Ö, loại pháo được thiết kế riêng cho Quân đội Áo. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần lớn các thiết bị như vậy, gồm khoảng 40 chiếc, đã được Latvia giữ lại.
Vào tháng 10/2022, Italia cũng bắt đầu giao hàng. Trước đó, quân đội Italia đã loại biên pháo M109 Paladins cũ của Mỹ sang pháo tự hành PzH 2000 hiện đại của Đức. Quá trình chuyển đổi này đã giải phóng khoảng 200 chiếc M109L, trong đó khoảng một nửa được cung cấp cho Kiev.
Đầu năm 2023, Mỹ cũng đã chuyển giao 18 chiếc M109 phiên bản mới nhất tới Ukraine. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của những khẩu pháo M109 trên chiến trường sẽ khiến tỉ lệ thương vong của nó cũng sẽ tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh Nga tăng cường sản xuất nhiều loại UAV cảm tử thế hệ mới.