Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Khủng hoảng' đạn dược phòng không khiến Ukraine mất Avdiivka?

(VTC News) -

Việc Không quân Nga sử dụng bom lượn với cường độ cao góp phần không nhỏ vào việc làm sụp đổ tuyến phòng thủ của Ukraine tại Avdiivka.

Trong một chiến thắng quan trọng trên chiến trường Ukraine, Không quân Nga đã khẳng định vai trò của mình khi duy trì quyền thống trị trên bầu trời khu vực chiến sự. Không quân Nga đã chiếm ưu thế trên không tuyệt đối và tích cực hỗ trợ lực lượng mặt đất trong suốt cuộc tấn công, điều này cũng đã làm các nhà quan sát quân sự bất ngờ, bởi trước đó các máy bay của Nga phải hoạt động hạn chế tại tiền tuyến do lo ngại các hệ thống phòng không của Ukraine.

Đây là một bước phát triển quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên Nga giành được ưu thế hoàn toàn trên không. Các chuyên gia cho rằng, nếu kho tên lửa phòng không của Ukraine cạn kiệt như dự đoán vào tháng 3 này, thì có khả năng Nga sẽ tiếp tục đạt được những thành công như tại Avdiivka.

Một góc thị trấn Avdiivka sau đợt không kích ngày 30/10/2023.

Phòng không Ukraine

Viện nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cảnh báo rằng, sự chậm trễ trong hỗ trợ an ninh của phương Tây đang làm hạn chế rất nhiều khả năng phòng không của Ukraine. 

Lực lượng Không quân Nga đã phải hoạt động hạn chế ở Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022. Do chịu tổn thất đáng kể, nên Không quân Nga chỉ có thể duy trì trạng thái “ngang bằng trên không”, chứ không phải ưu thế trên bầu trời Ukraine. 

Không quân Nga đã chịu những tổn thất đáng kể, bao gồm việc giảm 40% phi đội trực thăng tấn công Kamov Ka-52 Hokum B so với mức trước chiến tranh. Các kho dự trữ Mil Mi-35 Hind và Mi-28N Havoc B cũng đã suy giảm. 

Trực thăng tác chiến điện tử Mi-8MTPR-1 HIP của Nga cũng bị sụt giảm ít nhất 20% kể từ khi xung đột bắt đầu. Ngoài ra, có nhiều máy bay tấn công mặt đất Sukhoi Su-34 Fullback hai chỗ ngồi và Su-25 Frogfoot cũng bị bắn rơi, những số liệu này được The Military Balance cung cấp. 

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, lực lượng Nga đã nắm "toàn quyền kiểm soát" Avdiivka, tỉnh Donetsk, trong khi lực lượng Ukraine cũng tuyên bố rút quân khỏi thị trấn chiến lược này.

Chiến đấu cơ Su-35 của Nga.

Bom lượn của Nga

Đánh giá của ISW về chiến dịch của Nga ở Avdiivka cho thấy việc sử dụng bom lượn trong chiến trường đã tăng đều đặn kể từ năm 2023. Theo người phát ngôn của lữ đoàn Ukraine hoạt động gần Avdiivka, lực lượng Nga đã thả 60 quả bom lượn KAB trong một ngày vào ngày 17/2. Các báo cáo cho thấy có tới 500 quả bom như vậy đã được phóng tại Avdiivka trong suốt trận đánh. 

Với khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 70 km, bom lượn hiện đang được lực lượng Nga sử dụng rộng rãi để thực hiện các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Ukraine, nhờ đó giúp giảm thiểu tổn thất đối với máy bay chiến đấu Nga. 

Chỉ huy Nhóm Lực lượng Tavriisk Ukraine, Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi tuyên bố rằng, lực lượng Nga đã tiến hành 73 cuộc không kích kỷ lục theo hướng Tavriisk (kéo dài từ Avdiivka qua phía tây tỉnh Zaporizhia) vào ngày 14/2.

Các blogger quân sự Nga cho rằng, sự suy yếu của hệ thống phòng thủ Ukraine ở Avdiivka là do việc sử dụng bom lượn. Điều này dẫn đến tuyên bố rằng lực lượng Nga đã đạt được ưu thế trên không trong khu vực. 

Một người lính thuộc đơn vị Storm-Z của Nga cho biết, các lực lượng Nga trước đây đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiến hành các cuộc không kích hàng loạt. 

Như đã nhấn mạnh trong báo cáo của ISW, “Sự thành công của lực lượng Nga trong việc tiến hành các cuộc tấn công dữ dội ở khu vực Avdiivka, cho thấy lực lượng Ukraine đã không thành công trong việc ngăn máy bay chiến đấu Nga tiếp cận không phận xung quanh thị trấn quan trọng này”.

Một phương tiện phòng không của Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc củng cố các hệ thống phòng không hiện đại của đất nước, với lý do là phải ngăn chặn mối đe dọa từ bom lượn của Nga.

Thách thức mà lực lượng Ukraine phải đối mặt là tìm cách vô hiệu hóa những chiếc máy bay Su-34 và Su-35 của Nga, bởi chúng là những phương tiện phóng bom lượn vào sâu trong lãnh thổ Ukraine. 

“Khủng hoảng” về vũ khí phòng không

Những cảnh báo từ các quan chức Ukraine nêu bật một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, khi nước này phải vật lộn với tình trạng thiếu tên lửa phòng không nghiêm trọng. Một đánh giá của các quan chức Mỹ, được tờ New York Times đưa tin ngày 9/2, dự báo nguồn cung cấp tên lửa phòng không của Ukraine sẽ cạn kiệt vào tháng 3/2024, trừ khi lực lượng an ninh phương Tây vào cuộc để bổ sung. 

Trong bối cảnh liên tục xảy ra các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các khu vực đông dân cư, Ukraine phải đưa ra một số quyết định khó khăn về việc khu vực nào sẽ được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không. 

Báo cáo của ISW cảnh báo: “Việc đạt được ưu thế trên không sẽ cho phép các lực lượng Nga thường xuyên thực hiện các hoạt động trên không quy mô lớn và sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho các thành phố của Ukraine” . 

Trong tháng 2, Lực lượng Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 7 máy bay chiến đấu của Nga. Thống kê này cho thấy Ukraine không có đủ nguồn lực phòng không để bảo vệ vùng toàn bộ đất nước. Các báo cáo đã được xác nhận cho thấy quân Nga đang tiến quân gần Bakhmut, Avdiivka và về phía tây tới tỉnh Zaporizhia. 

Ngoài ra, các lực lượng Nga đã điều chỉnh công nghệ của họ để giành lợi thế ở Ukraine. Một blogger quân sự Nga tiết lộ rằng các cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa “Hermes” của Nga hiện đang được tiến hành trên cả chiến trường Ukraine và khu vực huấn luyện ở Nga. 

Hệ thống “Hermes” là một hệ thống tên lửa dẫn đường linh hoạt được thiết kế cho cả mục đích sử dụng trên mặt đất và trên không, đồng thời cũng có thể hoạt động như một tên lửa chống hải quân hoặc thiết lập hệ thống phòng thủ bờ biển.

Lê Hưng (Nguồn: Bulgarian Military)

Tin mới