Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tỷ giá USD/VNĐ tăng cao, Ngân hàng Nhà nước rút về lượng tiền kỷ lục

Trong bối cảnh tỷ giá quy đổi USD/VNĐ liên tục tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã có tuần giao dịch kỷ lục với việc rút ròng hơn 133.000 tỷ đồng khỏi thị trường.

Ngân hàng Nhà nước liên tục rút về lượng lớn tiền Đồng để kìm đà tăng tỷ giá. Ảnh: Chí Hùng.

Theo báo cáo mới nhất trong phiên giao dịch đầu tuần này (24/10), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giao dịch mua - bán tín phiếu trên thị trường mở để điều tiết lượng tiền Đồng trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, trong phiên 24/10, bên cạnh việc tiếp tục xu hướng rút 6.100 tỷ đồng khỏi thị trường thông qua nghiệp vụ bán hẳn tín phiếu, cơ quan quản lý tiền tệ đã tăng mạnh lượng tiền Đồng bơm ra hỗ trợ thanh khoản cho 12/12 thành viên tham gia/trúng thầu với số tiền gần 12.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, để vay được số tiền này trong kỳ hạn 7 ngày từ NHNN, các ngân hàng thương mại phải chấp nhận trả mức lãi suất 6%/năm, tăng 1 điểm % so với trước đó. Điều này cho thấy việc NHNN tăng mạnh lượng tiền Đồng bơm ra thị trường phiên đầu tuần hôm nay chỉ mang tính cục bộ để hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn của một số nhà băng. Trong khi đó, xu hướng chung của nhà điều hành vẫn là giảm số lượng tiền Đồng lưu hành trên thị trường.

NHNN đẩy mạnh rút tiền về

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thống kê số liệu từ các giao dịch mua - bán tín phiếu trên thị trường mở của NHNN cho biết trong tuần vừa qua, nhà điều hành đã hút ròng tổng cộng 133.527 tỷ đồng trên hoạt động thị trường mở. Đánh dấu tuần rút ròng khối lượng tiền Đồng mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, trong tuần trước, thông qua hoạt động mua kỳ hạn, NHNN đã bơm 5.387 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5%/năm) hỗ trợ thanh khoản một số nhà băng. Ngược lại, đã có 12.715 tỷ đồng bơm ra trước đó đã đáo hạn và quay trở về NHNN. Đồng thời cơ quan quản lý đã phát hành 126.199 tỷ đồng tín phiếu và hút về lượng tiền Đồng tương ứng.

Như vậy, thông qua cả 2 loại hình mua kỳ hạn và bán hẳn, NHNN đã hút ròng tổng cộng 133.527 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Đây là lượng hút ròng cao kỷ lục, sau 3 tuần liên tiếp NHNN thực hiện bơm ròng. Lượng tín phiếu đang lưu hành qua đó tăng trở lại mức 126.999 tỷ đồng.

Việc NHNN tăng tốc rút tiền Đồng khỏi thị trường diễn ra trong bối cảnh lãi suất cho vay VNĐ trên kênh liên ngân hàng đã hạ nhiệt so với nửa đầu tháng 10. Từ mức 7-8%/năm, lãi suất cho vay qua đêm giữa các nhà băng hiện đã hạ nhiệt xuống dưới vùng 5%/năm.

Trước đó, khi lãi suất cho vay qua đêm ghi nhận dấu hiệu tăng đột biến lên vùng cao nhất kể từ năm 2012, NHNN đã liên tục bơm tiền ra để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thương mại. Xu hướng bơm tiền này có mục đích hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng nhưng lại tác động khiến tỷ giá USD/VNĐ gia tăng.

Đến nay, khi đã ổn định được lãi suất liên ngân hàng, nhà điều hành phải nhanh chóng hút tiền Đồng về để kìm đà tăng của tỷ giá.

Áp lực tỷ giá USD/VNĐ

Trong khoảng một tháng đã qua, tỷ giá USD/VNĐ đã có diễn biến tăng mạnh với cả các chỉ số điều hành và chỉ số bên ngoài thị trường tự do.

Trong đó, tỷ giá trung tâm quy đổi giữa Đồng Việt Nam và USD đã tăng trên 300 đồng trong vòng một tháng qua. Đồng thời, biên độ dao động của tỷ giá ngoại tệ này cũng được NHNN nới từ mức +/-3% theo tỷ giá trung tâm lên +/-5%.

Tương tự, giá bán USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng tăng 4 lần liên tiếp trong hơn một tháng qua, đưa giá bán từ mức 23.400 đồng/USD lên 24.870 đồng/USD hiện tại, tương đương mức tăng ròng 1.470 đồng (6,3%). Nếu tính từ đầu năm, giá bán USD tại các Sở giao dịch NHNN đã tăng tới 1.720 đồng, tương đương 7,4%.

Trong bối cảnh nhà điều hành liên tục nâng giá bán USD, tỷ giá ngoại tệ này bên ngoài thị trường cũng ghi nhận biến động rất mạnh trong nhiều năm.

Theo khảo sát của Zing, hiện hầu hết ngân hàng thương mại đã nâng giá bán USD lên mức kịch trần cho phép ở 24.885 đồng/USD. Trong khi đó, giá mua vào phổ biến ở mức trên 24.600 đồng/USD.

So với đầu năm, giá bán đồng bạc xanh của các ngân hàng đã tăng trên dưới 2.000 đồng/USD, tương đương trên 8%.

Trên thị trường tự do, sau khi tăng vượt mốc 25.000 đồng/USD vào cuối tuần trước, hiện các đầu mối quy đổi khu vực Hà Nội vẫn chấp nhận mua vào ngoại tệ này ở mức 25.020 đồng/USD và bán ra ở mức 25.120 đồng/USD.

Theo các chuyên gia, tỷ giá USD/VNĐ tăng cao là một trong các nguyên nhân khiến NHNN phải đảo chiều rút lượng lớn tiền Đồng khỏi thị trường sau khi lãi suất liên ngân hàng cân bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, áp lực lên tỷ giá vẫn rất lớn.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng quý cuối năm nay sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về tỷ giá USD/VNĐ. Nguyên nhân đến từ sức mạnh đồng USD nhiều khả năng tiếp tục tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 9 đã thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu nên dư địa để NHNN tiếp tục can thiệp tỷ giá thông qua bán USD sẽ hẹp dần.

Các chuyên gia cũng cho rằng tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực đa phương tăng quá cao có thể tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam khi rổ tiền tệ các đối tác thương mại tiếp tục rớt mạnh. Cuối cùng là vốn FDI đăng ký mới trong nước chưa phục hồi hoàn toàn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền FDI thực hiện trong tương lai.

Với các yếu tố trên, KBSV cho rằng trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng hai công cụ dự trữ ngoại hối và bơm - rút tiền trên thị trường mở để ổn định tỷ giá, đồng thời điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài.

Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng nghiệp vụ điều tiết thị trường mở sẽ là công cụ quan trọng của NHNN trong việc điều hành tỷ giá. Đặc biệt trong bối cảnh việc can thiệp thông qua bán ngoại tệ đã hạn chế hơn.

Nguồn: Zing News

Tin mới