Tuyển Việt Nam ra quân với đội hình trẻ trung hơn Thái Lan ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2020, khi độ tuổi trung bình của 11 cầu thủ ra sân là 24,71, ít hơn con số 25 của Thái Lan. Tại giải đấu năm nay, tuyển Việt Nam cũng nằm trong nhóm trẻ. Tuy nhiên, thống kê này chưa phản ánh hết vấn đề.
Dù có lực lượng trẻ, nhưng hầu hết các cầu thủ HLV Park Hang Seo đặt niềm tin đã được sử dụng ở các giải đấu lớn suốt từ năm 2018 đến nay. Tuyển Việt Nam có đội hình chính rất mạnh, nhưng lực lượng kế cận đang tồn tại khoảng trống lớn.
Tuyển Việt Nam chia tay AFF Cup 2020.
Dấu hỏi U23
Tại AFF Cup 2018, đội hình chính của tuyển Việt Nam có 3 cầu thủ đủ tuổi đá SEA Games 2019, đó là Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu, chưa kể trên ghế dự bị có Đức Chinh, Tiến Linh được sử dụng luân phiên.
Nguồn lực U23 tạo dấu ấn đáng kể trong thành công của tuyển Việt Nam khi Văn Hậu chơi ổn định ở cánh trái, Đình Trọng là một trong những hậu vệ chắc chắn nhất, còn Quang Hải được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2018.
Nhờ đan cài các cầu thủ trẻ với lứa đàn anh giàu kinh nghiệm, HLV Park Hang Seo đạt được cả hai mục đích: tăng cường sức trẻ cho đội tuyển, đồng thời nâng tầm trình độ cho dàn cầu thủ U23. Đúng 1 năm sau, Đức Chinh, Tiến Linh, Văn Hậu, Quang Hải góp công lớn giúp U22 Việt Nam vô địch SEA Games. Trước đó, U23 Việt Nam đè bẹp Thái Lan 4-0 ở vòng loại châu Á.
Công thức "2 trong 1" giúp HLV Park Hang Seo không chỉ quán xuyến tốt cả ĐTQG và U23, mà còn tạo ra sự tiếp nối liền mạch giữa các lứa cầu thủ. Tuy nhiên, tính tiếp nối ấy đã gẫy đổ ở AFF Cup 2020.
Nhiều trụ cột đội tuyển phải cày ải liên tục.
Đội hình chính của tuyển Việt Nam không sót lại cầu thủ nào đủ điều kiện đá SEA Games 31. Trong 30 cầu thủ tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2020, có 6 cầu thủ ở lứa U23 gồm thủ môn Văn Chuẩn, hậu vệ Việt Anh, Thanh Bình, Văn Xuân, tiền vệ Hoàng Anh và tiền đạo Văn Đạt.
Không ai trong số này cạnh tranh nổi với các đàn anh. Không đá chính, không được vào sân từ ghế dự bị. Phải đến những phút cuối trận bán kết lượt về, Văn Xuân mới lần đầu được hít thở bầu không khí AFF Cup, khi tuyển Việt Nam gần như không còn cơ hội lật ngược thế cờ.
Dù nhiều lần triệu tập các tuyển thủ U23 lên tập luyện cùng ĐTQG, song HLV Park Hang Seo không chấm được cầu thủ nào. Những cầu thủ như Việt Anh, Hoàng Anh, Hai Long, Văn Xuân chỉ lên tuyển cho đủ chỗ, hầu như không có cơ hội thi đấu.
Trường hợp hiếm hoi được HLV Park Hang Seo tạo điều kiện là trung vệ Thanh Bình lại mắc lỗi lớn trong trận Việt Nam thua Trung Quốc. Thanh Bình sau đó cũng bị đẩy luôn sang đội U23.
Thanh Bình (áo trắng) trong màu áo tuyển Việt Nam.
Việc các cầu thủ U23 Việt Nam không có chỗ đứng khiến tuyển Việt Nam rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt các cầu thủ trẻ thiếu trải nghiệm đỉnh cao, có nguy cơ không tích lũy đủ kinh nghiệm để đá SEA Games 31.
Mặt khác, tuyển Việt Nam dù mang 30 cầu thủ nhưng lúc cần vẫn cứ thiếu, gặp những đội yếu hơn hẳn như Lào, Campuchia nhưng vẫn dùng đội hình tối ưu. Các cầu thủ được dùng đi dùng lại dẫn tới thiếu đột biến, bị đối thủ bắt bài đồng thời tính cạnh tranh, ganh đua giữa nhóm chính và nhóm dự bị bị triệt tiêu.
Khoảng trống thế hệ
Câu hỏi đặt ra là: cầu thủ U23 không đủ tài, hay HLV Park Hang Seo khắt khe với học trò?
Màn trình diễn của U23 Việt Nam tại vòng loại châu Á là câu trả lời. Không chỉ thi đấu lộn xộn, rời rạc, mà toàn đội còn không cho thấy tiềm năng nổi trội nào. Dễ hiểu cho HLV Park Hang Seo khi không tin dùng những cầu thủ trẻ này, khi họ còn không chơi hay trước những đối thủ đồng trang lứa, thì việc chơi hay ở các giải cấp ĐTQG là rất khó.
Tuy nhiên, việc lứa U23 chơi không hay, có phải trách nhiệm của riêng cầu thủ?
U23 Việt Nam (áo đỏ) vất vả ở vòng loại châu Á.
Trong bóng đá tồn tại khái niệm mang tên "Thế hệ bị đánh cắp" (Lost Generation), chỉ những lứa cầu thủ đầy tiềm năng, nhưng... sinh nhầm thời dẫn đến không thể vươn tầm đỉnh cao.
Khái niệm trên được biết đến phổ biến nhất ở Barcelona, với những cầu thủ trẻ đầy triển vọng, song không bao giờ cạnh tranh được ở đội 1 bởi thế hệ trước quá xuất chúng. Có thể kể tới Gerard Deulofeu, Bojan Krkic, Isaac Cuenca,...
Trở lại với thế hệ 1999 - 2000 chuẩn bị đại diện cho U23 Việt Nam đá SEA Games 31. Thực tế, không công bằng nếu so sánh đẳng cấp của lứa cầu thủ này với thế hệ đàn anh, bởi khác biệt rất lớn về chất lượng, môi trường tập luyện lẫn đẳng cấp thi đấu.
Thế hệ 1995 - 1996 của Công Phượng, Văn Toàn được đào tạo 7 năm theo giáo án châu Âu, chuẩn Arsenal - JMG, được ăn tập nước ngoài và lên đá V-League ở tuổi 20. Lứa 1997 của Quang Hải, Đình Trọng càn quét các giải trẻ và được đôn lên đội 1 đá cùng đàn anh, khi Hà Nội FC trẻ hóa đội hình.
Điều tối quan trọng của cầu thủ trẻ là phải được thi đấu và thi đấu liên tục, nhưng nhóm cầu thủ U23 của HLV Park không những không có điều kiện tập luyện tốt như đàn anh, phải chơi số trận ít hơn trong bối cảnh dịch bệnh làm tê liệt các giải đấu, mà còn hứng chịu sức ép rất lớn trước cái bóng vinh quang của thế hệ đi trước.
Hai Long (số 8) là tuyển thủ U23 hiếm hoi có suất đá chính ở V-League.
Áp lực ấy có thể ghìm chân cầu thủ trẻ, khiến họ không thể vươn lên đẳng cấp cao nhất. Tuyển Việt Nam cần có lứa kế cận để tiếp nối thành công, thay vì chờ đợi vinh quang ở 1, 2 lứa cầu thủ. HLV Park Hang Seo đã dùng hết những tài nguyên tốt nhất và chính ông cùng bóng đá nước nhà phải thay đổi.
Lứa Công Phượng, Quang Hải đã nung mình trong nhiều thất bại mới có được thành công rực rỡ, cho thấy các cầu thủ trẻ cần được thi đấu, thậm chí cần được sai lầm như Thanh Bình để trưởng thành.
Đó là thế hệ chủ lực tương lai để bóng đá Việt Nam mơ về World Cup 2026, nhưng đang có nguy cơ bị quên lãng dưới những trầm tích thất bại của hôm nay.