Bên lề Hội nghị chuyên đề vũ trụ Colorado Springs, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Chiến lược (STRATCOM) của Quân đội Mỹ, Tướng John Hyten, tuyên bố Mỹ nên tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) với các đối thủ của mình, đặc biệt là tiếp tục gia hạn START-3 với Nga.
Hiệp ước START-3 được Nga và Mỹ ký năm 2010 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011. Thỏa thuận này quy định về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên để đến đầu năm 2018, tổng số vũ khí không được vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. Thời hạn có hiệu lực của Hiệp ước là 10 năm – đến năm 2021.
Phát biểu trước báo giới, ông Hyten cho biết: “Tôi mong muốn đất nước của chúng ta sẽ tiếp tục nằm trong START-3 với Nga”.
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Chiến lược John Hyten. (Ảnh: RIA Novosti)
Người đứng đầu STRATCOM của Mỹ bày tỏ hy vọng rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời gian tới sẽ gặp gỡ các những người đồng nghiệp bên phía Nga để đàm phán về Hiệp ước START-3.
Theo ông Hyten, giống như Nga và Trung Quốc, Mỹ cũng đang tích cực thúc đẩy nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh.
Ông nói: “Nga và Trung Quốc đang nói về vũ khí siêu thanh như là một phần trong các lực lượng răn đe chiến lược của họ trong tương lai, cụ thể là tiềm lực siêu thanh hạt nhân. Trong khi đó, chúng ta không có bất kỳ kế hoạch nào về việc sử dụng vũ khí siêu thanh trong các lực lượng răn đe hạt nhân của mình cả”.
Vào ngày 24/1, có thông tin rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cũng sẽ đe dọa đến cả START-3. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi đó đã kêu gọi không trì hoãn đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước này.
Đến ngày 16/2, Bộ Ngoại giao Nga đã bàn giao các tài liệu về khả năng thảo luận gia hạn hiệu lực của START-3 thêm 5 năm với phía Mỹ cho các đại biểu Duma Quốc gia nghiên cứu. Tuy nhiên, đến ngày 22/2, chính quyền Mỹ thông báo chưa quyết định về khả năng gia hạn Hiệp ước này.
Sau đó, vào ngày 28/2, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết Mỹ đang né tránh đối thoại về vấn đề kiểm soát các loại vũ khí không nằm trong Hiệp ước START-3. Phía Nga sẵn sàng đối thoại về chủ đề này, bởi nó có tầm quan trọng chiến lược cho cả hai bên.
Washington bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp ước INF vào ngày 2/2. Đến ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ký sắc lệnh tạm dừng việc thực thi INF. Tuy nhiên, Matxcơva cũng không ít lần khẳng định sẵn sàng tiếp nhận các sáng kiến kiểm soát vũ khí mới, nếu chúng được xây dựng dựa trên lợi ích của tất cả các bên tham gia.