Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Túi khí Takata và lỗi túi khí không bung trên xe Toyota: Cái nào nguy hiểm hơn?

Với 20.000 sản phẩm bị triệu hồi, Toyota Việt Nam khẳng định, không liên quan đến vấn đề túi khí không nổ trong một số vụ tai nạn được ghi nhận gần đây, tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, với hai lỗi trên, cái nào nguy hiểm hơn?

Túi khí Takata là sản phẩm chủ lực của Takata Corp và được sử dụng hợp chất amoni nitrat. Đây là một loại hợp chất bay hơi nguy hiểm, nó là thành phần quan trọng để làm bung túi khí.

Vào năm 2014, túi khí Takata được trang bị trên 20% lượng ô tô toàn cầu và là đối tác của 19 thương hiệu xe hơi lớn - nhỏ trên thị trường. Vì vậy, sự cố túi khí Takata gây chết người đã làm rung chuyển nền ô tô toàn cầu. Các hãng xe hơi phải ngậm “trái đắng” do túi khí Takata mang lại bằng cách triệu hồi 40 triệu xe hơi trên toàn thế giới. 

Túi khí Takata và 18 trường hợp tử vong

Các hãng xe hơi đã đều có lộ trình triệu hồi xe để sửa túi khí Takata. Tại Việt Nam, Honda là hãng ô tô đầu tiên có thiện chí sửa túi khí Takata trên sản phẩm của mình. Tới ngày 26/8 vừa qua, hãng ô tô số 1 thế giới cũng như ở Việt Nam cũng có động thái tương tự. Tuy nhiên, khác với người đồng hương, việc triệu hồi xe của Toyota được người tiêu dùng trong nước đánh giá là chậm chạp.

Hơn 18.000 xe Vios tại Việt Nam bị triệu hồi để sửa lỗi túi khí Takata. 

Trong thông cáo mới nhất mà Toyota Việt Nam (TMV) phát đi, 20.015 xe Toyota, bao gồm 18.138 xe Vios được sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 05/01/2009 đến 29/12/2012 và 1.877 xe Yaris nhập khẩu chính hãng được sản xuất từ ngày 01/09/2009 đến 31/08/2012 sẽ được triệu hồi để sửa lỗi túi khí Takata.

TMV nhấn mạnh, trên các xe bị ảnh hưởng, chỉ có túi khí bên phía hành khách phía trước, do nhà cung cấp phụ tùng Takata cung cấp, sẽ được thay thế. Túi khí bên phía người lái không bị ảnh hưởng vì được cung cấp bởi nhà cung cấp phụ tùng khác, không phải do Takata cung cấp.

TMV giải thích, trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng, trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ.

Bơm khí là một phần cấu tạo nên cụm túi khí. Nó chứa tấm nhiên liệu dạng rắn bị đốt cháy trong trường hợp túi khí bị kích hoạt. Quá trình này giải phóng khí trơ làm bơm phồng túi khí.

Ngoài ra, TMV cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào đến việc khách hàng bị các mảnh vỡ của bơm khí văng vào người. Mặc dù vậy, trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp tai nạn do túi khí Takata, thậm chí là đã có thương vong.

Trường hợp thứ 18 tử vong do túi khí Takata. (Ảnh: Reuters)

Mới đây nhất, vào ngày 26/7, một người đàn ông 58 tuổi tại Úc đã tử vong trong một vụ đụng xe ở Cabramatta khi chiếc Honda CR-V của ông đâm vào một xe Toyota Celica. Nguyên nhân được kết luận là do túi khí Takata. Đây là trường hợp tử vong thứ 18 đã được ghi nhận trên toàn thế giới.

Ngoài 18 trường hợp tử vong do túi khí, còn có rất nhiều trường hợp bị thương do túi khí Takata được ghi nhận trên toàn thế giới. Có lẽ sẽ là may mắn nếu chưa có một trường hợp nào được ghi nhận tại Việt Nam.

Lỗi túi khí không nổ

Trong thông cáo của TMV, hãng xe hơi Nhật Bản khẳng định, các thông tin liên quan đến vấn đề túi khí không nổ trong một số vụ tai nạn cũng như việc nghi ngờ xe Toyota không trang bị túi khí là những thông tin không có cơ sở pháp lý và không được dựa trên bất cứ một kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nào.

 Tai nạn trên đường Võ Văn Kiệt (TP.HCM) nhưng túi khí xe Toyota không bung.

Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên và khiến rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam bức xúc, tại sao túi khí trên nhiều mẫu xe Toyota lại không nổ?

Cụ thể, vào ngày 17/3, trên đường Võ Văn Kiệt, TPHCM, một chiếc Fortuner 2017 đang đứng chờ đèn đỏ bất ngờ bị một xe tải lao đến đâm mạnh từ phía sau khiến toàn bộ phần đuôi xe bị hư hỏng nặng.

Cú va chạm mạnh đã khiến chiếc Fortuner 2017 bị đẩy về phía trước khoảng 10m. Tại thời điểm tại nạn, trên xe có 5 người, trong đó 2 người đã phải đi cấp cứu do chấn thương nặng. Ngay sau khi hình ảnh vụ tai nạn được chia sẻ trên mạng, nhiều người thắc vì sao túi khí trên xe không "nổ" để bảo vệ mọi người trên xe.

Hiện trường vụ tai nạn ở Bắc Giang vào ngày 25/5 và túi khí không nổ trên xe Camry.

Tiếp đó, vào khoảng cuối tháng 3 tại Đại Từ, Thái Nguyên, một vụ va chạm khác liên quan tới xe Toyota Fortuner 2017. Mặc dù không có thương vong về người, nhưng đáng nói trong vụ va chạm này túi khí an toàn trước không bung dù lực đâm khá mạnh.

Video: Toyota lại triệu hồi nhiều mẫu ô tô do lỗi túi khí

 

Đây chỉ là 2 trong nhiều ví dụ điển hình được ghi nhận trong thời gian vừa qua với cùng một hiện tượng túi khí không nổ. Chỉ cần search trên google “túi khí không nổ tại Việt Nam” là ra hàng loạt kết quả, điều đặc biệt là chỉ đích danh và gần như duy nhất Toyota.

Có lẽ sẽ tiếp tục là một điều may mắn cho người tiêu dùng Việt Nam, là chưa có bất kỳ thương vong nào xảy ra với lỗi túi khí không nổ trên xe của Toyota và mới chỉ dừng lại ở... người bị thương.

Vậy cái nào nguy hiểm hơn?. Theo các chuyên gia, cả hai lỗi đều nguy hiểm như nhau, nhẹ thì bị thương, còn nặng sẽ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, túi khí Takata “nhọ” ở chỗ, đã có 18 trường hợp thương được ghi nhận, còn lỗi túi khí không nổ trên xe Toyota thì chưa.

Toyota khẳng định: “Việc triệu hồi 20.000 xe do lỗi túi khí Takata không liên quan đến vấn đề túi khí không nổ trong một số vụ tai nạn cũng như việc nghi ngờ xe Toyota không trang bị túi khí đây là những thông tin không có cơ sở pháp lý và không được dựa trên bất cứ một kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nào".

Điều này rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc một cách rốt ráo, trách nhiệm cao nhất, vì sự an toàn của người tiêu dùng và đó có lẽ cũng là cách "minh oan'' cho Toyota, nếu hãng này không có lỗi.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Vũ

Tin mới