Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tự ý đăng ảnh người khác lên facebook bị phạt 20 triệu: Áp dụng thực tế thế nào?

(VTC News) -

Luật sư cho rằng, việc xác định thế nào là tự ý sử dụng hay được đồng ý cho sử dụng hình ảnh là vấn đề còn nhiều tranh cãi, dẫn đến khó khăn khi áp dụng nghị định.

Từ 15/4/2020, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, trong nghị định này, hành vi tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác mà không được sự đồng ý, cho phép của họ sẽ bị xử phạt mức cao nhất đến 20 triệu đồng

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn cho rằng sẽ rất khó để áp dụng những quy định này trên thực tế.

(Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, quyền của cá nhân đối với hình ảnh, thông tin được pháp luật ghi nhận.

Việc sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác cần phải được sự đồng ý của chính chủ. Nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

"Quy định này giúp ngăn chặn, xử lý và bảo vệ quyền và lợi ích của những người bị người khác tự ý sử dụng hình ảnh. Đây là quy định để đảm bảo tốt hơn nữa quyền về hình ảnh, thông tin của con người", luật sư Hoàng Tùng cho hay.

Tuy nhiên, vị luật sư này cho rằng, để xác định đâu là hành vi tự ý sử dụng khi chưa được phép hay đăng tải hình ảnh đã được chủ nhân đồng ý thì vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa thể thống nhất.

"Nếu anh A và chị B yêu nhau, sau đó anh A đăng ảnh lên mạng xã hội. Vậy làm thế nào để xác định thế nào là chị B đồng ý hay không đồng ý. Liệu sau này chia tay rồi, chị B lại đi tố cáo hành vi của anh A là vi phạm quyền hình ảnh của anh A, vậy thì xử lý ra sao?

Hoặc có những trường hợp hình ảnh đã đăng tải một thời gian, công khai không hề che giấu nhưng sau đó lại bị tố cáo. Thực tế, có thể người bị đăng ảnh biết được hành vi đăng ảnh đó nhưng không hề có ý kiến gì, rồi đến một thời gian nào đó mới thực hiện việc tố cáo thì thời gian trước đó có được tính là đã ngầm đống ý hay không?", luật sư Hoàng Tùng nêu ví dụ.

Theo vị luật sư này, để xử lý những hành vi vi phạm thì đầu tiên phải có sự yêu cầu của người có hình ảnh. Dù là yêu cầu bồi thường thiệt hại hay để xử lý vi phạm hành chính thì cần phải có đơn yêu cầu xử lý của người bị đăng hình ảnh. Điều này là sự tôn trọng quyền cá nhân của người có hình ảnh.

Trước những vướng mắc còn tồn tại, các cơ quan cần có văn bản giải thích những hành vi được xác định là "đã đồng ý" để thuận tiện hơn trong công tác xác định các hành vi vi phạm.

"Tuy nhiên, dù vô tình, ngẫu nhiên hay cố ý thì việc sử dụng hình ảnh thông tin của người khác vẫn cần phải xin phép một cách rõ ràng.

Việc xin phép này có thể thực hiện bằng việc gửi tin nhắn, gửi văn bản hoặc trao đổi trực tiếp trước khi thực hiện công khai hình ảnh của người khác.

Việc làm này không chỉ là tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn rèn cho xã hội văn hóa tôn trọng quyền riêng tư, quyền hình ảnh của người khác, tránh được một số mối nguy hiểm khác liên quan đến hình ảnh cá nhân", luật sư Hoàng Tùng nói.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trong đó, đối với tổ chức thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Còn đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm trên thì mức phạt sẽ là 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, mức phạt nêu trên cũng được áp dụng với một số hành vi khác với tính chất tương tự như:

Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;

Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm;

Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào;

Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng.

Video: Thiếu nữ kêu cứu vì người yêu ngoại quốc đăng clip 'nóng'

Tùng Lâm

Tin mới