Nổi tiếng nhờ công khai phản đối võ thuật truyền thống, thách đấu và đánh gục các võ sư nhưng Từ Hiểu Đông cho rằng đánh đấm không thể hiện bản lĩnh anh hùng. Anh vừa có những chia sẻ trên truyền hình Hong Kong.
- Anh có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện tại?
Lúc này, tôi ổn, dù còn bận nhiều nỗi lo, từ duy trì cuộc sống, kiếm tiền, tới theo đuổi nghiệp võ.
- Hãy bắt đầu từ trận đấu với Lã Cương. Khi phải di chuyển 40 tiếng như vậy, có khi nào anh nghi ngờ về chiến thắng không?
Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ thua những võ sư võ truyền thống.
- Anh gặp nhiều rắc rối với võ sư Trần thức Thái Cực quyền, Trần Tiểu Vượng. Cụ thể mọi chuyện ra sao?
Ông ta đâm đơn kiện tôi, nói tôi xúc phạm ông ta là "ngụy võ sư", là "cẩu tử". Cho đến giờ, tôi vẫn không mảy may nghĩ rằng mình đã làm điều gì có lỗi với ông ta. Có thể, tôi đã phạm pháp, và vì thế, phải chịu thi hành án suốt thời gian qua. Tôi cúi đầu trước pháp luật, chứ không khuất phục Trần Tiểu Vượng.
- Vụ thách đấu với Tôn Vũ, đệ tử của Trần Tiểu Vượng, thì sao?
Tôi đã thách đấu anh ta bốn lần, cốt để mọi người có thể thấy chân tướng bọn họ. Đó đều là những kẻ nói dối, xuẩn ngốc, nhưng tự cho mình là thanh cao. Như mọi người biết, tôi không có cơ hội để vạch mặt những điều này.
- Động lực nào thôi thúc anh bước vào con đường võ thuật và liên tiếp thách đấu các võ sư?
Tôi là một người Bắc Kinh. Các bạn biết đấy, dân Bắc Kinh luôn có ý thức mạnh mẽ về công lý, sự chính trực và lẽ phải. Đó là điều tôi luôn ấp ủ và giúp tôi đứng lên chống lại những sự giả tạo. Tôi không quan trọng chuyện thắng thua, bởi ngay cả khi thất bại, đó sẽ là minh chứng cho việc đối thủ của tôi có khả năng thực chiến tốt.
Tôi muốn nói thêm về Tôn Vũ. Anh ta từng học tán thủ, và tôi không có ý nói Tôn thuộc hạng ngụy võ sư. Tuy nhiên, hầu hết tay dạy võ truyền thống mà tôi biết đều chỉ biết khoác lác. Chưa bao giờ tôi tận mắt khả năng của họ.
Hơn hai năm qua, tôi bị nghi ngờ nhiều và liên tục dính vào các rắc rối. Tiền tôi kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Nhưng họ, những kẻ ngụy võ sư, hễ xúc phạm Từ này là tôi sẽ chiến đấu. Tôi tình nguyện vạch mặt những kẻ giả dối ấy giúp mọi người. Còn tiền, tôi sẽ tự nghĩ cách kiếm.
- Anh nhắc nhiều đến tiền. Vậy thu nhập chính của anh, ngoài thách đấu, đến từ đâu?
Tôi có một phòng tập nhỏ, góp vốn chung với vài người bạn, và hàng tháng vẫn nhận phần trăm doanh thu từ đây. Ngoài ra, từ khi được nhiều người biết tới, tôi thường được mời đi sự kiện, trả lời phỏng vấn, hoặc nói chuyện như một diễn giả. Thỉnh thoảng, túng thiếu một chút, tôi đi vay người quen. Lúc ấy, tôi thường nói với họ, là nếu có giá phù hợp, bảo tôi diễn xiếc thú tôi cũng làm.
Trước khi dính vào kiện tụng với Trần Tiểu Vượng, chương trình "Đông ca lạt bình" mà tôi tham dự rất ăn khách. Cách đây hai năm, đó là chương trình trực tiếp có lượng rating cao ở Trung Quốc. Khán giả thích nghe tôi phân tích chuyên môn về kỹ năng chiến đấu của Nhất Long, Lý Liên Kiệt, Thành Long... Đó là điều họ ít biết, bởi đa số báo đài toàn khen những người này. Tôi thường nói với họ trước giờ ghi hình về hai điều kiện tiên quyết của tôi: Một là tiền nong sòng phẳng. Và hai là phải để tôi nói đúng những gì tôi nghĩ.
- Là một hiện tượng của làng võ Trung Quốc, anh nghĩ thế nào khi được tặng hai chữ "anh hùng"?
Đừng đao to búa lớn như vậy. Tôi nghĩ sẽ chính xác hơn, nếu dùng hai chữ đó cho việc làm trong sạch nền võ thuật Trung Quốc. Ở đất nước này, người có khả năng chiến đấu như tôi rất nhiều. Thật lòng mà nói, ai chẳng muốn làm anh hùng, nhưng ở kỹ năng bình thường như tôi, hai chữ ấy quả là thổi phồng thái quá.
Tôi thích luận anh hùng về khả năng tư duy, và có cái nhìn tổng thể về một con người, hay một sự vật, sự việc, thay vì khả năng chiến đấu và nắm đấm. Cuộc sống hiện tại rất cần phân định thế nào là đúng, thế nào là sai. Mỗi người có một quan điểm và chúng ta cùng "cầu đồng tồn dị" (sống vì cái chung và bỏ qua những khác biệt). Tất nhiên, mọi chuyện cần phải dựa trên sự thật và những luận cứ chắc chắn. Võ thuật, môi trường tôi sống và tiếp xúc hàng ngày, càng cần đề cao sự thật.
Những người ghét tôi rất nhiều, nhưng tri âm tôi gặp cũng không ít. Qua Internet, nhiều người chia sẻ với tôi, và nói cảm ơn tôi vì những trải nghiệm thú vị tôi đem đến. Công việc nào cũng khó tránh thị phi. Bản thân tôi cũng thường bị nói này kia, nhưng hầu hết đó là võ đoán. Tôi chưa bao giờ thiếu can đảm chiến đấu. Ai đó có thể không dám nói sự thật, nhưng Từ Hiểu Đông lại luôn thừa năng lượng làm việc đó.
- Từ đâu mà anh tìm tới Ngụy Lôi? Anh có thông tin gì về khả năng của người này?
tu hieu dong
Mong rằng đến thời con tôi lớn lên, xã hội này không còn chỗ cho sự giả tạo.
Từ Hiểu Đông
Có thể coi tôi là người đi đầu trong việc đẩy mạnh phong trào MMA tại Trung Quốc. Tuy nhiên, những bạn tập và môn sinh của tôi luôn có cái nhìn e dè, thậm chí khúm núm trước võ truyền thống.
Hồi đầu năm 2017, tôi tình cờ xem được màn biểu diễn dùng nội lực giữ chim bồ câu của Ngụy, và hỏi đồng môn, là có nên kiểm chứng khả năng của MMA với người này không. Tất cả ủng hộ và tôi lên đường đến Thành Đô, Tứ Xuyên.
Phải tới sau trận đấu với Ngụy Lôi, tôi mới ý thức rõ ràng về sự giả tạo trong đại bộ phận võ truyền thống. Những người trẻ cần phải có cái nhìn đúng đắn về võ thuật, thay vì mù quáng tin theo những lời rao giảng theo kiểu rập khuôn.
Tôi cũng có thời thanh niên bồng bột, khi tới Đại sứ quán Anh ném đá, để phản đối một điều luật cách đây nhiều năm. Tôi theo chủ nghĩa duy vật, bởi vậy, càng muốn xã hội thoát khỏi suy nghĩ về những thứ siêu nhiên, vô hình.
- Anh suy nghĩ gì về tương lai sau này?
Thỉnh thoảng trong lúc trà dư tửu hậu, bạn bè hay trêu đùa tôi là có thể đóng phim và nổi tiếng như Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh, nhưng tôi không muốn điều ấy. Tôi muốn mình là Từ Hiểu Đông. Nhân đây, tôi nhắn nhủ mọi người, rằng hãy dừng gọi tôi là "cuồng nhân" hay "anh hùng". Tôi vốn chỉ là một người bình thường, và vẫn sẽ luôn như vậy.
40 tuổi, chưa có gia đình, thi thoảng tôi cũng nghĩ về một mái ấm. Nếu được vậy, tôi sẽ giúp các con trải nghiệm và yêu thích võ thuật. Tôi hy vọng, mình giữ được sự lạc quan này trong ít nhất 10 năm nữa. Mong rằng đến thời con tôi lớn lên, xã hội này không còn chỗ cho sự giả tạo.