Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trước khi uống rượu bia ngày Tết, người dân cần biết thông tin này

(VTC News) -

Uống quá nhiều rượu, bia không những không tốt cho sức khỏe mà sử dụng không đúng còn có thể bị xử phạt hành chính.

Rượu, bia là thứ đồ uống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhưng để trọn niềm vui, đảm bảo sức khoẻ và không bị xử phạt vì quá chén, mỗi người cần "nằm lòng" các thông tin sau đây:

Ép người khác uống sẽ bị xử phạt 

Theo Điều 5 của Luật Phòng chống tác hại rượu, bia 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020, nghiêm cấm các hành vi: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia...

Ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Trong đó, việc xử phạt đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia được quy định tại Nghị định 117 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, tại khoảng 3, Điều 30 Nghị định này quy định phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia; uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Cấm bán cho người chưa đủ 18 tuổi

Theo Điều 5 của Luật Phòng chống tác hại rượu, bia 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020, người nào có hành vi bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị nghiêm cấm.

Khoản 1, Điều 30 Nghị định 98 quy định, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

Nghiêm cấm hành vi bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 31 của Nghị định 117 quy định phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.

Uống không đúng nơi quy định bị phạt tiền

Theo Điều 10 Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, các địa điểm không được phép uống rượu, bia gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia; các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Người nào uống rượu, bia tại điểm không được phép uống rượu, bia thì bị phạt đến 1 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Theo Khoản 2, Điều 30 của Nghị định 117, người nào uống rượu, bia tại địa điểm không được phép uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia thì bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Đã lái xe không uống rượu, bia

Theo Khoản 6, Điều 5 Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, người nào có hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị nghiêm cấm.

Đồng thời, Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn mức trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở, sẽ bị phạt từ 16-18 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 16-18 tháng.

Mức phạt từ 3-5 triệu đồng áp dụng với tài xế có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.

Người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100 của Chính phủ. (Ảnh minh họa)

Với người đi xe máy, mức phạt từ tiền từ 2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.

Mức phạt từ 4- 5 triệu đồng với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở. 

Mức phạt từ 6-8 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Đi xe đạp có nồng độ cồn cũng bị phạt

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020, người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở bị phạt 80-100 nghìn đồng.

Đi xe đạp có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt đến 600 nghìn đồng. (Ảnh minh họa)

Người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 200-300 nghìn đồng; phạt từ 400-600 nghìn đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tùng Lâm

Tin mới