Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Indonesia ngừng khoan thăm dò ở Biển Đông

(VTC News) -

Nikkei Aisia cho hay, Trung Quốc nhiều lần yêu cầu Indonesia dừng dự án khai thác khí tự nhiên ở Biển Đông vì cho rằng dự án này "xâm phạm chủ quyền" của Bắc Kinh.

Nikkei Asia dẫn nguồn từ Chính phủ Indonesia cho hay, ngoài việc lên tiếng phản đối, Trung Quốc còn điều các tàu tuần duyên đến khu vực này để gia tăng sức ép.

Từ hồi tháng 7, Indonesia bắt đầu hoạt động khoan thăm dò gần quần đảo Natuna, thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Khu vực này chồng lấn yêu sách chủ quyền phi pháp “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

 Indonesia đang đối mặt với áp lực ngày một gia tăng từ Trung Quốc trên Biển Đông. (Ảnh: Reuters)

Phó đô đốc Aan Kurnia, người phụ trách Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia cho biết, hoạt động khoan thăm dò của Indonesia kết thúc vào cuối tháng 11 vừa qua.

Theo Nikkei Asia, Indonesia khẳng định không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, và nước này không công bố các phản đối của Bắc Kinh. Jakarta dường như cho rằng nếu phản ứng công khai sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận có tranh chấp.

Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động gần quần đảo Natuna kể từ năm 2019, khiến căng thẳng leo thang với Jakarta. Tháng 5/2020, Indonesia gửi công hàm lên Liên hợp quốc để bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với “đường chín đoạn”.

Indonesia đang tăng cường phòng thủ ở quần đảo Natuna và khu vực xung quanh trước lo ngại nguy cơ Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát quần đảo.

Quân đội Indonesia đang xây dựng nối dài đường băng tại căn cứ không quân để có thể triển khai thêm máy bay. Nước này cũng bắt đầu xây dựng căn cứ tàu ngầm. 

Ngoài ra, Indonesia và Mỹ đang xây dựng cơ sở huấn luyện chung cho lực lượng hải cảnh gần quần đảo Natuna. Hồi tháng 8, Indonesia và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung với tên gọi “Lá chắn đại bàng 2021” lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ lục quân hai nước. Cuộc tập trận diễn ra trên đảo Sumatera, Sulawesi và Borneo.

Kông Anh

Tin mới