"Đây là lần đầu tiên một xưởng thủ công mỹ nghệ được phát hiện tại Tam Tinh Đôi (Sanxingdui). Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học", ông Ran Honglin, Giám đốc Trạm khảo cổ Tam Tinh Đôi thuộc Viện Di vật và Khảo cổ học tỉnh Sơn Tây, chia sẻ với Tân Hoa xã.
Các hiện vật bao gồm ngọc thô, sản phẩm hoàn thiện cũng như các mảnh vụn, mảnh vỡ và mảnh đá thô, đại diện cho các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất.
Các hiện vật mới nhất được phát hiện tại di chỉ Tam Tinh Đôi. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ông Ran cho biết phát hiện này làm sáng tỏ nguồn gốc của nguyên liệu thô và công cụ bằng đá được sử dụng trong ngành thủ công mỹ nghệ ban đầu cũng như bố cục chức năng của thành phố cổ Tam Tinh Đôi.
Tam Tinh Đôi được coi là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của thế kỷ 20, cung cấp cái nhìn sâu sắc về một nền văn hóa ít được biết đến, đã phát triển rực rỡ hơn 3.000 năm trước tại nơi ngày nay là tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một kho báu gồm các đồ vật bằng đồng, vàng, ngọc bích và ngà voi, tất cả đều liên quan đến các hoạt động hiến tế, nguyên vẹn trong các hố chôn mà đến giữa thập niên 1980 mới được phát hiện.
Miếng ngọc bích khắc hình mặt người được phát hiện tại di chỉ Tam Tinh Đôi. (Ảnh: Tân Hoa xã)
“Có hơn 17.000 di vật văn hóa đã được khai quật tại Tam Tinh Đôi. Chúng tôi chỉ mới hoàn thành việc làm sạch và bảo tồn hơn 4.000 hiện vật, vì vậy vẫn còn hơn 12.000 hiện vật cần được phục hồi”, Yu Jian, Phó giám đốc Bảo tàng Tam Tinh Đôi cho biết.
Ông Yu cho biết thêm rằng công tác phục hồi và làm sạch hơn 12.000 di tích còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong sáu năm tới.
Giới chuyên gia khảo cổ tin rằng di tích Tam Tinh Đôi nằm ở trung tâm của vương quốc Thục bí ẩn cách đây 4.500 năm. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ ghi chép nào được tìm thấy để giải thích nguồn gốc hay ý nghĩa của các hiện vật họ để lại.
Khu di tích thành phố cổ Tam Tinh Đôi chụp từ trên cao. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Các phát hiện từ Tam Tinh Đôi có đặc điểm vùng miền khác nhau và được xem như biểu tượng của nền văn hóa đa dạng thời Trung Quốc cổ đại.
“Chúng tôi cũng tìm thấy một số hiện vật cho thấy hoạt động giao lưu văn hóa giữa Tam Tinh Đôi và các khu vực khác”, Xu Danyang, Phó giám đốc Trạm khảo cổ Tam Tinh Đôi, cho biết.
Địa điểm chế tác ngọc bích và đá nằm gần các hố hiến tế được khai quật trước đó, cùng với những phát hiện mới khác, bao gồm một cống dẫn nước và cổng thành tiết lộ thêm về bố cục của thành phố cổ.
Ông Xu cho biết trục chính của thành phố cổ chạy từ tây bắc xuống đông nam, cho thấy người Thục cổ đã thích nghi với địa lý địa phương dựa trên hướng núi và sông.
“Cách bố trí như vậy không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy để giao lưu bên ngoài, phản ánh những ý tưởng tiên tiến về xây dựng đô thị”, ông Xu nói.