Trung Quốc đã thông qua luật chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài, trước sức ép của Mỹ và EU về thương mại, công nghệ, Hong Kong và Tân Cương.
Qua đó, các cá nhân hoặc thực thể liên quan đến việc đưa ra hoặc thực hiện các biện pháp phân biệt đối xử đối với công dân hoặc thực thể Trung Quốc có thể bị đưa vào danh sách chống trừng phạt. Như vậy họ có khả năng bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc hoặc bị trục xuất khỏi nước này. Ngoài ra, tài sản của họ ở Trung Quốc có thể bị tịch thu hoặc đóng băng và họ có thể bị hạn chế hoạt động kinh doanh ở đây.
(Ảnh minh họa)
Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc, ủy ban thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPC), thông qua luật này hôm 10/6. Tất cả 14 phó chủ tịch của ủy ban này đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến việc thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong vào năm 2020.
Mỹ và các đồng minh ngày càng đẩy mạnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc về nhiều vấn đề như Hong Kong và Tân Cương, gây ra các biện pháp trừng phạt đáp trả của Trung Quốc. Washington cũng đã nhắm vào các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE với cáo buộc họ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran hoặc Triều Tiên.
Theo The Guardian, dự luật chống trừng phạt được đọc lần đầu tiên bí mật vào tháng 4 và được thông qua chỉ hai ngày sau khi NPC thông báo đang đọc lần thứ hai. Họ đã bỏ qua lần đọc thứ ba thường cần cho các dự luật khác.
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu cho biết các thành viên của họ rất lo lắng về quá trình thông qua dự luật này.
“Trung Quốc dường như đang rất vội vàng. Hành động như vậy không có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài hoặc trấn an các công ty khi họ cảm thấy mình sẽ bị sử dụng như những con tốt hy sinh trong một ván cờ chính trị”, Joerg Wuttke, chủ tịch của hội đồng, cho biết.
Shaun Wu, đối tác của công ty luật Paul Hastings, cho rằng các công ty nước ngoài muốn kinh doanh ở Trung Quốc có thể gặp phải sự giám sát ngày càng tăng của các cơ quan quản lý liên quan đến hoạt động của họ ở cả trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh chỉ đơn giản là đã "tham khảo" chính Mỹ và EU.
“Trung Quốc trước đây không có sức mạnh kinh tế cũng như ý chí chính trị để sử dụng các biện pháp pháp lý để trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bây giờ họ có cả hai”, Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học Thành phố Hong Kong, bình luận.