Trong công điện mới nhất của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Dương lịch 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không tổ chức bắn pháo hoa, hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người. Những hạn chế chống dịch khiến không khí lễ đón năm mới 2022 không sôi động như các năm. Tuy nhiên, đây vẫn là thời khắc đáng mong đợi của một năm dài với nhiều khó khăn, lo toan. VTC News xin gửi tới độc giả những hình ảnh ghi nhận không khí đặc biệt của thời khắc giao thời giữa năm 2021 và năm mới 2022.
Video: Lễ hội ánh sáng Virtual Countdown Lights 2022
Không Countdown, pháo hoa... nhiều cặp đôi Hà Nội chọn cho mình cách riêng để ghi lại khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Trong khi đó, nhiều người bán hàng rong thất thu ngày cuối năm.
23h55: Trước thời khắc giao thời ở Hà Nội
Video: Người dân Hà Nội trong không khí đón năm mới khác lạ 2022 (Thực hiện: Văn Giang)
Dòng người di chuyển về khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm vào thời khắc giao thừa.
Công an quận Hoàn Kiếm lập các chốt thường xuyên kiểm soát và xử lý vi phạm trên địa bàn quận, dừng cấp phép các điểm trông giữ xe và phương tiện. (Ảnh: Đắc Huy)
Lực lượng an ninh dừng xe kiểm tra người và phương tiện vi phạm an toàn giao thông trong đêm giao thừa tết Dương lịch.
Những chiếc xe xích lô vắng bóng khách ngày cuối năm. (Ảnh: Đắc Huy)
23h20: Tại TP.HCM
Năm nay, TP.HCM tổ chức chương trình Countdown chào đón Tết Dương lịch 2022 tại một điểm duy nhất trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và không tổ chức trên đường Lê Duẩn như thường niên. Hoạt động diễn ra từ 22h ngày 31/12 đến 0h10 ngày 1/1/2022.
Ghi nhận của PV, từ 22h, lượng người đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày càng đông.
Tuy nhiên, do đây là chương trình không có khán giả, không có đại biểu và được truyền hình trực tiếp nên các cơ quan chức năng đã có mặt để hạn chế người dân vào khu vực tổ chức chương trình.
22h20: Tại Quảng Ninh
Khu vực quảng trường 30/10 TP Hạ Long chỉ lác đác một vài người đi dạo. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, năm nay TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh không tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào đón năm 2022 để phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên khu vực này trở nên vắng lặng. (Ảnh: CTV)
Những người bán hàng rong ế khách. (Ảnh: CTV)
Khu vực tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiện vắng tanh. (Ảnh: CTV)
Khu vực cầu Bài Thơ không một bóng người đi dạo. (Ảnh: CTV)
Trung tâm thương mại Vincom vắng người chưa từng thấy. (Ảnh: CTV)
Nhà hàng cũng không một bóng thực khách. (Ảnh: CTV)
22h00: Tại TP.HCM
Khu vực Cầu Ánh Sao (quận 7) khá thưa người đến để chào đón năm mới. Do dịch bệnh nên năm nay tại đây không có bất cứ hoạt động văn nghệ hay chào mừng thời khắc giao thừa nào.
Người đến vắng hơn mọi năm, ai cũng ý thức đeo khẩu trang phòng dịch.
Đôi bạn trẻ Liên Và Trí đến Cầu Ánh Sao chờ khoảnh khắc giao thừa. "Tôi khá vui vì năm mới sắp đến, tôi chỉ mong sao năm mới dịch bệnh đừng căng thẳng để tất cả cùng vui", Liên nói.
21h30: Tại Hà Nội
Nhà thờ Lớn Hà Nội không bóng người, trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp những năm chưa có dịch. (Ảnh: Đắc Huy)
Số ít bạn trẻ dạo chơi gần khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Đắc Huy)
Một ông bố bế con đi bộ trên vỉa hè khu vực bờ Hồ. Không có cảnh bon chen, biển người của những đêm giao thừa các năm trước dịch COVID-19. (Ảnh: Đắc Huy)
Tại Hồ Tây, lực lượng chức năng dựng rào chắn các lối đường ven hồ, nhiều người dân muốn đi dạo đều phải quay đầu. (Ảnh: Hoài Thơm)
Các lối dẫn vào Hồ Tây đều được ngăn cách và có lực lượng chức năng đứng canh gác. (Ảnh: Hoài Thơm)
21h30: tại Hải Phòng
Khu vực quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng không tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ như thường lệ đón năm mới 2022 để phòng chống dịch bệnh nên khá vắng vẻ. (Ảnh: Minh Khang)
Dải trung tâm thành phố dài hơn 3 km, là địa điểm lý tưởng cho người dân thành phố vui chơi, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, nhất là số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận mỗi ngày hàng trăm ca nên người dân ý thức được việc hạn chế ra đường không cần thiết, nhất là tránh tụ tập những nơi đông người. (Ảnh: Minh Khang)
Chỉ có số ít người dân, nhất là giới trẻ đi đạo, đi chơi cùng bạn bè. (Ảnh: Minh Khang)
Một số quán cà phê vẫn bán hàng nhưng lượng khách đến không nhiều. (Ảnh: Minh Khang)
Những người bán bóng bay cho trẻ em đón năm mới ế khách, thi thoảng mới có người qua đường dừng lại mua. (Ảnh: Minh Khang)
21h20: Tại TP.HCM
21h, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), sân khấu chào đón năm mới được vây quanh bằng hàng rào và an ninh thắt chặt.
Đông đảo người dân đến đây để đón chào năm mới. Chương trình nghệ thuật chào đón năm mới của TP.HCM không mời đại biểu và khán giả tham dự.
Các ca sĩ như Noo Phước Thịnh, Vũ Cát Tường, Khắc Việt... sẽ có mặt trong đêm countdown.
Ban tổ chức bố trí thêm xe cứu thương để phòng tình huống xấu.
Anh Tuấn, ngụ TP Thủ Đức cho biết, năm nào mình cùng với bạn gái cũng đi đón giao thừa và xem bắn pháo bông, năm nay dịch bệnh khiến hoạt động này không diễn ra cũng khá buồn nhưng không sao cả, vì tình hình chung cả. Chỉ mong sao sang năm mới mọi chuyện đều hanh thông, công việc được thuận lợi, dịch bệnh sẽ không còn để mọi người cùng nhau an tâm làm ăn.
Còn chị Lan, ngụ quận Bình Thạnh bày tỏ, năm 2021 là một năm mất mát, đau thương với rất nhiều người tại TPHCM ra đi mãi mãi vì dịch bệnh, công việc, sản xuất kinh doanh của mọi người đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thời khắc năm cũ chuẩn bị qua đi, mong rằng năm 2022, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, để cuộc sống người dân lại trở lại với cuộc sống như trước đây.
“Tôi hy vọng rằng bước sang năm mới, mọi người dân đều có cuộc sống bình an, hạnh phúc”, chị Lan nói.
20h45: Tại Hà Nội
Năm nay, Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa cùng các hoạt động văn nghệ ngoài trời và chương trình đếm ngược (countdown) chào năm mới. Vì thế, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vắng người qua lại. (Ảnh: Đắc Huy)
Quận Hoàn Kiếm cũng đang ở cấp độ 3 (vùng cam) nên các hoạt động chào đón năm mới 2022 trên địa bàn đều dừng lại. Hoàn Kiếm sẽ lập các chốt xử lý vi phạm trên địa bàn; dừng cấp phép các điểm trông giữ xe và phương tiện trong dịp này, trường hợp cần sẽ cấm đường vào khu vực trung tâm. (Ảnh: Đắc Huy)
Lác đác một số người dân có mặt quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Đắc Huy)
Trái ngược một số quận trung tâm, Cầu Giấy và Thanh Xuân là 2 quận còn lại của Hà Nội cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ, do vậy nhiều người đổ dồn về các khu vực này. (Ảnh: Hoài Thơm)
Nhiều hàng quán tại Cầu Giấy chật kín người và chỗ gửi xe. (Ảnh: Hoài Thơm)
20h40: tại TP Đà Nẵng
Theo ghi nhận PV VTC News, trên các tuyến đường trung tâm thành phố như Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, lượng người và xe không đông đúc như thời điểm này năm trước do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tại công viên bờ Tây cầu Rồng - điểm vui chơi chính trong những dịp đón năm mới - tối nay cũng không tấp nập.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (trú quận Hải Châu) cho biết, khác với mọi năm, năm nay để tránh tụ tập đông người, chị cùng gia đình tranh thủ dành chút ít thời gian buổi tối để đi chụp ảnh lưu niệm rồi về nhà.
Nhiều người dân Đà Nẵng cũng tỏ ra tiếc nuối khi thành phố không tổ chức bắn pháo hoa để chào đón năm mới. Chị Thanh Mai (trú quận Thanh Khê) chia sẻ: “Mọi năm bắn pháo hoa, chương trình Coutdown nên không khí rất nhộn nhịp nhưng năm nay thì khá vắng lặng. Đây là năm đầu tiên không khí đón Tết Dương lịch ở Đà Nẵng trầm lắng”.
Quảng Bình:
Chương trình "Đếm ngược chào đón năm mới Phong Nha 2022" được tổ chức từ 22h ngày 31/12/2021 đến 0h30 ngày 1/1/2022 và sẽ phát trực tuyến trên các nền tảng số của du lịch Quảng Bình (chính thức tại Fanpage Facebook: QuangBinh Tourism). Trước chương trình "Đếm ngược chào đón năm mới Phong Nha 2022", từ 20h, tại khách sạn Biển Vàng, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật Chào đón năm mới 2022.
Đây là sự kiện mở đầu cho chương trình kích cầu du lịch Quảng Bình năm 2022 và tổng kết những nỗ lực, cố gắng để phục hồi và tăng trưởng ngành du lịch Quảng Bình.
Chương trình thu hút sự tham dự của hàng trăm người dân Quảng Bình và du khách khi có sự tham gia trình diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng.
Đắk Lắk:
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đắk Lắk chào 2022” theo hình thức phát trực tuyến trên tài khoản Facebook, kênh Youtube Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk và chia sẻ trên các kênh tuyên truyền của ngành.
Chương trình được tổ chức theo mô hình “Nhà hát truyền hình”, “Nhà hát online” nhằm tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi nhân dịp đón năm mới 2022, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022).
Gia Lai:
Tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), trước việc địa phương này không tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2022 và hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người nên không khí trước thềm bước sang năm mới trầm lắng.
Trong ảnh là Quảng trường Đại đoàn kết. Đây là khu vực thường xuyên diễn ra các lễ hội lớn. Nếu như mọi năm, khu vực này tấp nập người chào đón năm mới thì năm nay lại thưa vắng, lượt người lui tới chỉ lác đác.
20h20: Tại Hà Nội
Các khu vui chơi, Trung tâm Thương mại lớn ở Hà Nội vắng người. Ảnh chụp tại khu đô thị Times City cho thấy không khí chào năm mới khá trầm lắng. (Ảnh: Thu Hương)
Các hoạt cảnh để người dân chụp ảnh lưu niệm không có nhiều người qua lại. (Ảnh: Thu Hương)
Các gian hàng tại Trung tâm thương mại Vincom Trần Duy Hưng thưa vắng. (Ảnh: Hoài Thơm)
Tuy vậy tại khu ẩm thực lượng khách hàng tới rất đông, thậm chí phải xếp hàng chờ tới lượt. (Ảnh: Hoài Thơm)
20h15: Tại TP.HCM
Tối 31/12, nhiều người dân tại TP.HCM đã đến khi trung tâm thương mại Landmark 81 để vui chơi chờ đón giao thừa. Năm nay, TP.HCM không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dịp Tết dương lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh, vì vậy màn bắn pháo hoa mà nhiều người mong chờ cũng không được tổ chức.
Theo ghi nhận của PV, Tết dương lịch năm nay người dân TP.HCM ra đường ít hơn rất nhiều so với mọi năm.
Không còn cảnh chen lấn như mọi năm.
19h30: Tại Cần Thơ
Hơn 19h, lượng người đổ ra đường chuẩn bị đón chào năm mới ở trung tâm TP Cần Thơ không đông đúc như mọi năm.
Không xảy ra ùn ứ, chen lấn ở các tuyến đường trong trung tâm TP như Nguyễn Trãi, 30/4, Đại lộ Hòa Bình....
Khu vực bến Ninh Kiều và cầu đi bộ thường tập trung rất đông người dân mỗi dịp lễ, Tết và cuối tuần nhưng hôm nay khá vắng lặng.
Chương trình Nghệ thuật TP Cần Thơ Chào năm mới 2022 với chủ đề “Cần Thơ ước vọng ngày mới” bắt đầu vào lúc 19h tại Nhà Biểu diễn Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ
Do tình hình dịch bệnh, người dân chỉ có thể xem trương trình qua truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh truyền hình TP Cần Thơ. Ban tổ chức phục vụ người dân đến xem trực tiếp.
19h00: Chiều cuối năm, những dòng xe nối đuôi nhau vội vã trở về nhà, gây tắc đường nhẹ trên các tuyến đường lớn.
Tại nút giao Đại lộ Thăng Long đi lên đường vành đai 3 trên cao xảy ra ùn ứ nhẹ.
Hàng trăm ô tô nối đuôi nhau trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng Hà Nam đi Hà Nội.
Tại nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, các phương tiện di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Trên đường Huỳnh Thúc Kháng, các phương tiện nối đuôi nhau,gần như chôn chân tại chỗ
Hà Nội không tổ chức countdown
Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức bắn pháo hoa cùng các hoạt động văn nghệ ngoài trời và chương trình đếm ngược (countdown) chào năm mới 2022.
Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa và countdown đón Tết Dương dịch 2022 để phòng, chống dịch.
Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, do quận đang ở cấp độ 3 (vùng cam) nên các hoạt động chào đón năm mới 2022 trên địa bàn đều dừng lại. Các hoạt động và sự kiện tập trung đông người trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng sẽ bị hạn chế. Nhà hàng, dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Quận Hoàn Kiếm đề nghị người dân hạn chế ra đường để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Quận cũng sẽ lập các chốt xử lý vi phạm trên địa bàn; dừng cấp phép các điểm trông giữ xe và phương tiện trong dịp này, trường hợp cần sẽ cấm đường vào khu vực trung tâm.
TP.HCM countdown không khán giả
UBND TP.HCM tổ chức countdown tại khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ, không tổ chức tại đường Lê Duẩn. Thời gian từ 22h ngày 31/12/2021 đến 0h10 ngày 1/1/2022.
Tuy nhiên, chương trình không mời đại biểu, khán giả tham dự và sẽ được trực tiếp truyền hình, truyền thanh trên Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và Đài tiếng nói Việt Nam; trực tuyến trên các hạ tầng truyền thông xã hội thông qua các kênh và trang tin điện tử.
UBND TP.HCM cũng giao Sở GTVT có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ tổ chức thực hiện từ 17h ngày 31/12/2021 đến 1h ngày 1/1/2022 và có lộ trình thay thế trong thời gian chốt chặn.
Quảng Nam dừng dạ hội Hội An chào năm mới 2022
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đã phát sinh nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và chưa xác định nguồn lây, UBND TP Hội An thống nhất tạm dừng tổ chức các hoạt động Dạ hội Hội An chào năm mới vào đêm 31/12/2021 và sự kiện “Kết nối du lịch địa phương và đón đoàn khách đầu tiên tham quan phố cổ Hội An năm 2022 vào sáng 1/1/2022".
Các hoạt động đón khách tham quan theo tour bằng hình thức khép kín, hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố, hoạt động trải nghiệm...đón khách tham quan phố cổ và làng nghề truyền thống vẫn hoạt động bình thường để phục vụ du khách, nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Đắk Lắk, Quảng Bình phát trực tuyến chào đón năm mới trên mạng xã hội
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đắk Lắk chào 2022” theo hình thức phát trực tuyến trên tài khoản Facebook, kênh Youtube Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk và chia sẻ trên các kênh tuyên truyền của ngành.
Chương trình nghệ thuật “Đắk Lắk chào 2022” tổ chức vào 20h ngày 31/12/2021 với những tiết mục nghệ thuật vui tươi, phấn khởi, mang âm hưởng hiện đại chào đón năm mới.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho hay, chương trình nghệ thuật chào năm mới 2022 được triển khai theo mô hình “Nhà hát truyền hình”, “Nhà hát online” nhằm đảm bảo thực hiện linh hoạt, thích ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.
Màn đếm ngược chào đón năm mới 2022 sẽ phát trực tuyến trên các nền tảng số của du lịch Quảng Bình. (Ảnh minh hoạ: Lễ đếm ngược năm 2021 tại Quảng Bình).
Tại Quảng Bình, chương trình "Đếm ngược chào đón năm mới Phong Nha 2022" được tổ chức từ 22h ngày 31/12/2021 đến 0h30 ngày 1/1/2022 và sẽ phát trực tuyến trên các nền tảng số của du lịch Quảng Bình (chính thức tại Fanpage Facebook: QuangBinh Tourism).
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật được đầu tư kỹ lưỡng, nội dung độc đáo gắn với quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình - "Điểm đến thiên nhiên, an toàn và khác biệt" sẽ phục vụ người dân nhưng với số lượng hạn chế.
Người lao động chần chừ không dám về quê
Theo ghi nhận của PV VTC News, những ngày cuối năm 2021, các bến xe thưa thớt, vắng vẻ, mỗi xe lác đác vài hành khách. Nhiều người băn khoăn không biết có nên về quê nghỉ Tết hay không, nhất là những người ở vùng dịch, F0 vừa khỏi bệnh.
Chị Nguyễn Thanh Bình (33 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đang là nhân viên Hành chính nhân sự của một công ty tại Hà Nội, nửa năm nay chị luôn đếm ngược từng ngày về quê. Từ lúc dịch bùng phát giữa năm 2021, chị Bình phải gửi bé Bông (3 tuổi) về quê nhờ ông bà ngoại chăm.
6 tháng nay mẹ con chị chưa được gặp nhau, mọi thông tin chỉ được kết nối qua màn hình điện thoại. Ban đầu chị chỉ dự định gửi con về với ông bà một tháng, nhưng do dịch phức tạp, hết tháng này đến tháng kia cũng không về đón con được.
Đợi mãi, cuối cùng cũng đến dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, những tưởng sẽ được về quê nghỉ ngơi và chơi cùng con thì chị Bình lại nghe tin về quê sẽ phải cách ly tại nhà 7 ngày. "Nhớ con, tôi cũng phải ráng chịu đựng, chứ về quê mùa dịch này nhiều cái phải lo nghĩ lắm. Thế là lại thêm một lần thất hứa với con nữa rồi", chị Bình thở dài.
Bến xe Mỹ Đình vắng bóng khách do ảnh hưởng của dịch.
Giống như chị Bình, nửa năm nay bạn Phạm Minh Hằng cũng chưa được về nhà. Hằng vừa trải qua 10 ngày điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Mặc dù đã được xác nhận khỏi bệnh và xuất viện đến nay đã được 2 tuần nhưng Tết dương này Hằng cũng không dám về quê.
Mặc dù rất nhớ nhà nhưng Hằng vẫn quyết định ở lại Hà Nội để đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình. Hằng nghĩ rằng không chỉ có mình mà nhiều người cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhất là khi số ca dương tính ở Hà Nội ngày càng tăng cao.
Chị Bùi Thị Thảnh (26 tuổi) và chồng anh Bùi Xuân Thái (29 tuổi, cùng quê Hưng Yên) đang sinh sống làm việc tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực này được xếp vào vùng vàng (tương đương cấp độ 2). Mặc dù cấp độ dịch không nghiêm trọng như các quận khác nhưng dịp Tết Dương lịch này anh chị quyết định không về quê.
Ngày 1/1 Dương lịch (29/11 Âm lịch) là tròn 26 năm ngày giỗ mẹ chồng chị Thảnh. Mọi năm bận mấy, anh chị cũng cố gắng về làm một vài mâm cỗ mời anh chị em trong nhà. Hôm trước, anh Thái gọi điện về quê thông báo với người thím về việc chuẩn bị về giỗ mẹ. Thím anh khuyên "thôi để sang năm làm, trên đấy dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vợ chồng có mời cũng không ai dám đến".
Nghe thím nói vậy, anh Thái buồn hẳn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại lời thím nói cũng đúng. Đặc thù công việc, mỗi ngày vợ chồng anh phải tiếp xúc 10 - 20 người, về quê không may mang bệnh về thì lại ân hận với họ hàng, làng xóm. Nghĩ rồi hai vợ chồng thống nhất đưa ra quyết định ở lại trên này hương hoa, thắp hương mẹ, không về quê làm giỗ nữa.