Trong Chỉ thị số 35 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Dịch bệnh khiến không khí đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần ở một số địa phương không sôi động như các năm. Tuy nhiên, đây vẫn là thời khắc đáng mong đợi của một năm dài với nhiều khó khăn, lo toan.
Tại TP.HCM
Đường hoa Nguyễn Huệ đông người chen chân trong đêm giao thừa.
Người dân tranh thủ tham quan, chụp ảnh tại đường hoa Nguyễn Huệ.
TP Hải Phòng
Dù không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn nán lại trung tâm thành phố tới thời khắc giao thừa. Đôi bạn trẻ trao cho nhau nụ hôn trong thời khắc thiêng liêng. Nụ hôn của tình yêu đôi lứa, cùa mùa xuân hạnh phúc trên mảnh đất thành phố Cảng.
Nhiều bạn trẻ lì xì cho nhau với lời chúc mừng năm mới thật nhiều may mắn.
Chị lao công kịp gọi điện cho người thân để gửi lời chúc năm mới bình an đúng thời điểm giao thừa.
Rồi tất bật với công việc dọn dẹp của mình khi mọi người lần lượt ra về trong thời khắc đón năm mới.
TP Hà Nội
Khoảng hơn 21h, tại khu vực Hồ Gươm khá vắng lắng so với năm trước. Nhiều người dân tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc bên nhau đêm cuối năm Tân Sửu.
Khu vực Hồ Gươm thưa thớt người vào thời điểm 20h giờ đêm giao thừa
Những người bán bóng bay quanh khu vực Hồ Gươm "ế" khách đêm cuối năm.
Một gia đình lưu lại khoảnh khắc trước thời khắc giao thừa.
Tại TP Hải Phòng
Các tuyến đường trung tâm thành phố, các phương tiện cũng phải di chuyển chậm hơn khi lượng người đổ ra đường đón giao thừa càng lúc càng đông.
Ở nơi công cộng, mọi người vẫn nghiêm túc chấp hành việc đeo khẩu trang.
Tại quảng trường trung tâm TP Hải Phòng, các “nam thanh, nữ tú” đã về đây khá đông để lưu lại những bức ảnh đẹp trước thời khắc giao thừa.
Tại Gia Lai
So với những năm trước, không khí giao thừa, đón năm mới Nhâm Dần năm nay tại tỉnh Gia Lai có phần lặng lẽ hơn, song tiết trời se lạnh cũng không cản bước dòng người ra đường để đón nhận khoảnh khắc chào năm mới Nhâm Dần 2022.
Quanh Quảng trường Đại đoàn kết TP. Pleiku là điểm nhấn trang trí cờ hoa, đây cũng là nơi người dân đổ về nhiều nhất những đêm giao thừa.
Linh vật hổ đáng yêu pha một chút uy nghiêm, dũng mãnh được trang trí ở đường hoa thu hút sự chú ý của người dân.
Tại TP.HCM
Ghi nhận của PV VTC News tối 29 Tết, các địa điểm vui chơi tại trung tâm TP.HCM đông đúc người dân tập trung vui chơi, đón chờ thời khắc giao thời. Nhiều tuyến đường cạnh Nhà văn hoá Thanh niên xảy ra tình trạng ùn ứ.
Nhiều người chọn Hồ Con Rùa (quận 1) làm điểm hẹn cuối năm, chờ đón giao thừa.
Các tòa nhà tại trung tâm quận 1 được trang hoàng lộng lẫy để chào đón năm mới Nhâm Dần 2022
Ở một số tuyến đường khác nhiều người tranh thủ mua hoa Tết vào tối 29 Tết.
Công nhân vệ sinh môi trường vẫn làm việc dù gần tới thời khắc giao thừa.
Tại Hà Nội
UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và thành phố để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Thành phố cũng chủ động thực hiện phương án, kịch bản cấp độ cao; phân công lực lượng, tổ chức diễn tập, ứng trực, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; kiên quyết kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chiều 29 Tết, đường phố Hà Nội vắng vẻ hơn ngày thường, nhưng vẫn tấp nập người xe đi du xuân, sắm Tết trong ngày cuối năm Tân Sửu.
Bến xe Mỹ Đình vắng tanh trong ngày cuối năm. Trong khu vực bến xe hầu như chỉ có nhân viên, tài xế xe ôm và phụ xe chờ khách.
Tại Thừa Thiên - Huế
Ghi nhận của PV VTC News cho thấy, lượng người đổ ra đường hoặc đến các khu trung tâm đêm giao thừa vắng hơn mọi năm.
Người dân tập trung trước cửa Ngọ Môn để xem tái hiện lễ đổi gác, múa ngũ hổ.
Khoảng từ 20h nhiều người đưa theo người thân, con cái đến một số điểm đón xuân ở TP.Huế như Bia Quốc Học, đài phun nước trong công viên trước mặt UBND tỉnh... để vui chơi, chụp ảnh.
Một số gia đình chọn đài phun nước trong công viên trước mặt UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để chụp ảnh.
Nơi "hút" người dân nhất vẫn là trước cửa Ngọ môn trong Hoàng thành Huế, vì nơi đây sẽ tái hiện một số nghi thức trong triều đình nhà Nguyễn xưa như nghi lễ đổi gác, múa ngũ hổ đón xuân và bắn pháo hoa tầm thấp.
Lực lượng an ninh túc trực tại các điểm vui chơi chính trong thành phố Huế để đảm bảo an ninh trật tự.
Theo ghi nhận của PV VTC News, dù vui đón năm mới, nhưng người dân luôn có ý thức trong việc phòng, chống dịch COVID-19 bằng việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... Lực lượng an ninh cũng làm việc nghiêm túc để đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời nhắc nhở người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch.
Tại Đà Nẵng
Từ ngày 28/1 đến 14/2, rạp chiếu phim Lê Độ tổ chức chiếu phim “Mừng Đảng, đón xuân” phục vụ người dân, du khách. Trong đêm giao thừa, Nhà hát Trưng Vương thực hiện chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới và phát sóng trên các nền tảng số.
Một góc không gian đường hoa Đà Nẵng chào năm mới 2022. (Ảnh: VOV)
TP Đà Nẵng cũng trang trí không gian đường hoa Chào Năm mới 2022 dọc bờ Tây sông Hàn, tạo không khí vui tươi và cảnh quan ngày Tết.
Ghi nhận của PV VTC News, đến 20h30, các tuyến phố lớn của thành phố bên bờ sông Hàn khá vắng lặng. Những trục đường chính như Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo có phần nhộn nhịp hơn vì đây có những phố hoa Xuân, là điểm để người dân dạo chơi đêm Giao thừa.
Khác với đêm giao thừa năm ngoái, năm nay dù trời không mưa, thời tiết đẹp nhưng lượng người đổ ra đường ngắm cảnh, đón Giao thừa rất hạn chế, tình giao thông thông thoáng.
Khu vực đường hoa Xuân Đà Nẵng vẫn vắng người check-in đêm 29 Tết.
Khu vực đường hoa Xuân Đà Nẵng (đường Bạch Đằng) và khu Công viên APEC mở rộng, người tham quan và check-in không đông.
Chị Trần Thanh Hồng (bán hàng rong khu vực đầu cầu Rồng) chia sẻ: “Như giao thừa năm ngoài thì tầm 20h là dòng người đổ đi ra đường tấp nập rồi. Tuy nhiên Giao thừa năm nay thì đến 20h30 nhưng phố phường vắng lạ thường. Tâm lý chung có lẽ người dân lo ngại dịch bệnh và thành phố cũng không tổ chức băn pháo hoa nên mọi người cũng hạn chế vui chơi”.
Thời điểm 20h30 đêm 29 Tết, không khí khá vắng lặng.
Để phục vụ người dân và du khách tham quan trong đêm giao thừa, Đà Nẵng đã xây dựng rất nhiều tiểu cảnh mừng năm mới bên 2 bờ sông Hàn. Tuy nhiên, nhằm tránh tụ tập đông người trong tình hình dịch còn nhiều phức tạp, đem Giao thừa năm nay Đà Nẵng không tổ chức bắn pháo hoa, không tổ chức chương trình ca nhạc mừng năm mới.
Tại TP.HCM
Đường hoa xuân Nguyễn Huệ khai mạc từ tối 29/1. Đường hoa phục vụ khách tham quan từ 19h ngày 29/1 đến 17h ngày 4/2 (từ 27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết). Tùy tình hình dịch, UBND TP sẽ thay đổi thời gian hoạt động hoặc ngừng đón khách không cần báo trước. Du khách phải đeo khẩu trang kể cả khi chụp hình.
Đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1).
Người dân tranh thủ mua hoa kịp về chưng Tết.
Đường phố quận Bình Thạnh, TP.HCM khá vắng lặng chiều tối ngày cuối năm
Tại Cần Thơ
Khoảng 20h35 ngày 29 Tết, người dân Cần Thơ bắt đầu nô nức ra đường đón du xuân trước thời khắc giao thừa.
Năm nay, TP Cần Thơ không tổ chức sự kiện tập trung đông người cũng như bán pháo hoa nên người dân chủ yếu đi dạo, check-in tại đường hoa xuân và khu vực bến Ninh Kiều.
Nhiều bạn trẻ tranh thủ chụp ảnh lưu niệm tại đường hoa.
Nhiều người cùng ra Bến Ninh Kiều đi dạo trong tối 29 Tết.
Phương tiện giao thông tại khu vực Bến Ninh Kiều đông đúc nhưng không xảy ra ùn ứ.
Tại Bentiu, Nam Sudan
Trong những ngày cuối năm, mặc dù bận rộn với nhiều công tác chuyên môn của Phái bộ, cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam vẫn dành thời gian cùng nhau tích cực chuẩn bị chuỗi hoạt động để đón Tết cổ truyền cùng nhân dân cả nước.
Những chiếc bánh chưng, bánh tét được gói bằng lá chuối lấy từ thủ đô Juba, còn lạt gói được dùng từ cây dại gần phái bộ, thịt lợn đơn vị tự tăng gia và hơn hết là tình yêu quê hương, nỗi nhớ nhà của mỗi người chiến sĩ mũ nồi xanh.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như thảm họa lũ lụt lớn nhất của đất nước Nam Sudan trong 60 năm vừa qua, nguồn nguyên liệu phục vụ Tết Nguyên đán gặp nhiều khó khăn thiếu thốn.
Nhưng với sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên các cán bộ, nhân viên vẫn quyết tâm thực hiện các hoạt động truyền thống giống quê hương để đón Xuân 2022.