Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin, ngày 12/11, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký sắc lệnh phê chuẩn hiệp ước phòng thủ chung với Nga. Hiệp ước có hiệu lực khi cả hai bên trao đổi văn kiện phê chuẩn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 19/6. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/11 cũng đã ký hiệp ước thành luật, trong đó quy định rằng hai nước phải "ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi biện pháp sẵn có" nếu một trong hai bên bị tấn công vũ trang.
Hai nhà lãnh đạo Nga - Triều Tiên ký kết thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6, coi đây là bước đi nâng tầm quan hệ song phương lên mức gần giống với "liên minh".
Moskva và Bình Nhưỡng cũng cam kết không ký bất kỳ thỏa thuận nào với bên thứ ba nhằm chống lại "chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do lựa chọn và sự phát triển của các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa, cũng như các lợi ích quan trọng khác" của nhau.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Hàn Quốc và Ukraine chỉ trích việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, với cáo buộc Triều Tiên gửi hàng chục nghìn quân tới Nga để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Ukraine .
Seoul, Washington và Kiev cáo buộc có hơn 10.000 binh lính Triều Tiên ở Nga. Các quan chức Mỹ cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho rằng một số lính Triều Tiên đã tham gia chiến đấu ở vùng Kursk của Nga, gần biên giới Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quân đội Triều Tiên chịu thương vong trong cuộc giao tranh với lực lượng Ukraine, và những trận chiến đầu tiên giữa lực lượng hai bên "mở ra trang mới về tình hình bất ổn trên thế giới".
Hiện cả Nga và Triều Tiên vẫn chưa có phản ứng nào trước thông tin mà Mỹ, Hàn Quốc và Ukraine cáo buộc.