Khác với các ngày trước đó, nước này chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong trong 24 giờ, tính đến 18h chiều 18/5. Kể từ khi công bố số liệu về dịch bệnh, Triều Tiên ghi nhận 63 trường hợp thiệt mạng.
Ít nhất 740.160 người đang bị cách ly y tế.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), trong số ca sốt được báo cáo, hơn 1,23 triệu người đã hồi phục hoàn toàn.
Sau hơn 2 năm sạch COVID-19, Triều Tiên xác nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 12/5, cho biết trường hợp này nhiễm BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron có khả năng nhiễm cao và thường được gọi là Omicron "tàng hình".
Các thành viên của quân đội Triều Tiên cung cấp thuốc cho người dân tại một hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP)
KCNA gọi đây là "sự cố khẩn cấp nghiêm trọng của đất nước" do "một lỗ hổng trong phòng tuyến cách ly khẩn cấp vốn đã được giữ an toàn trong 2 năm 3 tháng qua kể từ tháng 2/2020". Ngay trong ngày thông báo ca bệnh đầu tiên, Triều Tiên phong tỏa toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước để hạn chế lây lan dịch bệnh. Từ đầu tuần, nước này huy động quân đội phân phát thuốc tới các hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng.
Theo KCNA, Triều Tiên đang tăng cường sản xuất thuốc, vật tư y tế bao gồm máy khử trùng và nhiệt kế ở thủ đô Bình Nhưỡng và các khu vực lân cận. Thêm khu cách ly được thiết lập và công tác khử trùng được tăng cường trên khắp cả nước.
“Hàng nghìn tấn muối đã được vận chuyển khẩn cấp tới thành phố Bình Nhưỡng để sản xuất dung dịch sát trùng”, KCNA cho hay.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 18/5, các quan chức Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại cách ứng phó dịch của Triều Tiên, cảnh báo phản ứng của Bình Nhưỡng với đợt bùng phát COVID-19 hiện tại có thể gây "hậu quả nghiêm trọng" cho cuộc sống người dân.
"Những biện pháp hạn chế mới nhất, gồm phong tỏa nghiêm ngặt và áp thêm các hạn chế đi lại, sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ", người phát ngôn văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc Liz Throssell cho biết.
Bà Throssell kêu gọi giới chức Triều Tiên đánh giá tác động của bất kỳ biện pháp chống dịch nào với các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những nơi đã chống dịch hiệu quả.
"Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên xem đây là vấn đề khẩn cấp để thảo luận với LHQ về mở các kênh hỗ trợ nhân đạo, bao gồm thuốc men, vaccine, trang thiết bị và các hỗ trợ khác", bà này nói thêm.
Bình Nhưỡng tới nay vẫn chưa phản hồi các đề nghị hỗ trợ y tế từ bên ngoài.
Vị quan chức của Liên hợp quốc cũng nhắc lại lời kêu gọi của người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ Michelle Bachelet rằng các nước nên nới lỏng lệnh trừng phạt để hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp và giúp đỡ Triều Tiên ứng phó dịch.