Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine COVID-19: Tiêm mũi 2 muộn có sao không?

(VTC News) -

Nhiều phụ huynh băn khoăn trẻ tiêm mũi 2 cách mũi 1 muộn hơn 4 tuần có sao không.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đang làm tất cả các biện pháp tốt nhất để đảm bảo đầy đủ vaccine cho trẻ em. 

Việc bị ngắt quãng nguồn cung vaccine phục vụ cho tiêm chủng hoàn toàn có thể xảy ra do điều kiện thực tế. Tuy nhiên, theo các bằng chứng khoa học thì việc giãn mũi tiêm chỉ giảm cơ hội trẻ được bảo vệ sớm trước COVID-19 chứ không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của mũi tiêm. 

"Phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm và bình tĩnh chờ tới khi có vaccine để tiêm mũi tiếp theo mà không sợ việc tiêm muộn hơn làm mất tác dụng của mũi tiêm trước đó", BS Thái nói.

Trẻ lớp 6 ở quận Hà Đông, Hà Nội tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: Đắc Huy)

Dinh dưỡng cho trẻ trước và sau tiêm

Theo ThS.BS Lê Trịnh Thủy Tiên, Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM, việc chăm sóc dinh dưỡng, chế độ ăn uống hợp lý, khoa học cho trẻ 5-11 tuổi trước và sau khi tiêm sẽ giúp phát huy tốt nhất tác dụng của vaccine. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn uống tốt, nên cho trẻ ăn nhẹ trước khi tiêm phòng, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ tránh để trẻ uống các chất kích thích trước và sau khi tiêm.

“Cần cho trẻ ăn đầy đủ, cân bằng 4 nhóm dưỡng chất chính gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin, khoáng chất và đa dạng các loại thực phẩm. Tiếp đó, tùy vào tình trạng của trẻ sau tiêm cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn phù hợp như các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa (súp, cháo, sữa)… và ưu tiên các món ăn hợp khẩu vị của trẻ. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu thì nên chia nhỏ bữa ăn để dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn”, BS Tiên nói.

Theo BS Tiên, sau tiêm cha mẹ nên ưu tiên cho các bé ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như cá, thịt, trứng, rau xanh, trái cây và các lợi khuẩn đường ruột như sữa chua.

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi tiêm vaccine COVID-19, người lớn cần đặc biệt chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn khi chế biến thực phẩm. Phụ huynh nên lựa chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc, tiêu chuẩn sản xuất rõ ràng. Thức ăn cần nấu chín kỹ, nấu xong ăn ngay, không cho trẻ ăn các món chưa chín kỹ hoặc tái sống, thức ăn để lâu ngày… dễ gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Sau tiêm trẻ có thể gặp các phản ứng mệt mỏi, đau chỗ tiêm, đặc biệt là sốt nên cần phải bổ sung nước đầy đủ. Uống đủ nước giúp máu lưu thông tốt hơn để cung cấp đủ oxy cho các tế bào, từ đó tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Cung cấp đủ nước cũng giúp chống lại tác dụng phụ là mệt mỏi và đau nhức cơ bắp.

“Nên cho trẻ uống nước lọc, nước canh, nước rau… Ngoài ra, các loại nước trái cây như cam, chanh, bưởi… cũng rất tốt vì vừa cung cấp nước vừa bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, sốt sau tiêm là phản ứng thường gặp của hệ miễn dịch sau khi tiêm vaccine. Lúc này, trẻ cần uống dung dịch oresol pha theo hướng dẫn để phòng ngừa mất nước”, BS Tiên khuyến cáo.

Phạm Quý

Tin mới