"Hiện mỗi ngày, có hơn 600 người cách ly, theo dõi ở các sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn. Ngành y tế đang lấy mẫu xét nghiệm tại cơ sở lưu trú. Khi Bộ Y tế có hướng dẫn phương án mới, chúng tôi sẽ thực hiện theo", bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC, Sở Y tế) cho biết chiều 16/9.
Theo bác sĩ Tâm, một người trong khi cách ly ho, sốt sẽ được yêu cầu ở yên trong phòng để nhân viên y tế kiểm tra, xử lý chuyên môn. Nếu khách ho và sốt thông thường chỉ cần xử lý tại chỗ như cho thuốc, còn có dấu hiệu mắc COVID-19 sẽ chữa trị theo quy định phòng chống dịch.
Resort Phương Nam rộng 3ha, với 71 phòng tự nguyện làm nơi cách ly cho những người có khả năng nhiễm virus corona hồi tháng 3. (Ảnh: Hữu Khoa)
Hiện, TP.HCM có 8 khách sạn, cơ sở lưu trú với khoảng 1.400 phòng làm nơi cách ly các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao. Sau khi Thủ tướng đồng ý cho mở lại 6 đường bay đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia và Lào, dự kiến có thêm 17 khách sạn được chọn làm nơi cách ly, nâng tổng công suất lên hơn 2.300 phòng.
Phó Giám đốc HCDC cho biết, việc khảo sát, lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ. Đầu tiên, HCDC cùng các Trung tâm y tế địa phương sẽ có đánh giá sơ bộ về vị trí, quy mô phòng, cầu thang lối đi, cam kết của khách sạn phải đảm bảo tuân thủ yêu cầu của y tế đặt ra trong công tác phòng chống dịch.
Các cơ sở lưu trú này cũng phải đảm bảo bố trí đủ nhân viên làm đủ 14 ngày trong khách sạn sau đó mới được về nhà, chứ không phải làm theo ca như bình thường. Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu đưa ra, khách sạn và các bên liên quan cùng ký biên bản tự nguyện làm nơi cách ly. HCDC sẽ gửi biên bản về cho Sở Y tế thành phố, từ đó đề xuất UBND thành phố phê duyệt danh sách.
Khi danh sách được thông qua, HCDC tiếp tục bước thứ hai tập huấn toàn bộ quy trình, kế hoạch, yêu cầu bảo đảm công tác phòng chống dịch. Trong đó, nhân viên khách sạn sẽ được hướng dẫn đăng ký cho khách sau khi nhập cảnh và kiểm tra y tế tại sân bay, đưa khách về khách sạn, xử lý tình huống,...
"Chúng tôi sẽ kiểm tra lại một lần nữa và cầm tay chỉ việc cho các nhân viên khách sạn những kỹ năng mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn,... sau đó mới cho nhận khách cách ly", ông Tâm nói và cho biết việc theo dõi sức khoẻ người cách ly được giao cho y tế phường, quận. HCDC sẽ giám sát và hàng tuần có báo cáo về Sở Y tế việc khách sạn tuân thủ quy định này.
Các khách sạn sau khi hết đón người cách ly, sẽ được khử khuẩn nên đảm bảo môi trường an toàn cho những khách sau đó đến ở.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thắng, Phó Phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, để được duyệt làm nơi cách ly, trước tiên các khách sạn đăng ký và gửi đơn về Sở Du lịch thành phố. Sau đó, Sở Du lịch tổng hợp danh sách gửi Sở Y tế. Các đơn vị liên quan sẽ làm việc với UBND, Trung tâm y tế các quận huyện có cơ sở lưu trú đăng ký làm điểm cách ly, khảo sát cơ sở vật ở khách sạn có đảm bảo không.
Đại diện Sở Du lịch thành phố cũng cho biết, khách sạn tham gia cách ly phải cam kết tuân thủ đúng những quy định phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo COVID-19 thành phố cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế. Khách sạn phải đảm bảo sức khoẻ cho khách, tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng; phải cam kết trong thời gian nhận khách đến cách ly không được nhận thêm khách lẻ.
Các khách sạn được dùng làm nơi cách ly người nhập cảnh có chất lượng từ 2 đến 5 sao để cho khách cách ly có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu, khả năng tài chính của mình. "Mỗi khách có nhu cầu khác nhau nên khách sạn sẽ báo giá theo yêu cầu của khách để hai bên tự thỏa thuận", bà Thắng nói.
Trước đó, 8 khách sạn từ 3 đến 5 sao ở thành phố có giá cho khách đến cách ly dao động từ 1,4 triệu đồng đến 4 triệu đồng mỗi phòng một đêm, tùy dịch vụ. Dự báo người nhập cảnh tăng thêm nhiều nên Sở Du lịch vận động các cơ sở tham gia làm điểm cách ly.
Cũng theo bà Thắng, 90% khách ở các khách sạn tại TP.HCM đến từ nước ngoài. Khi dịch xảy ra, khách quốc tế không thể vào Việt Nam nên phần lớn khách sạn trên địa bàn không có khách, phải đóng cửa hoặc tạm ngưng kinh doanh. Vì vậy, việc Thủ tướng chỉ đạo cho phép cách ly tại cơ sở lưu trú có trả phí cho chuyên gia, nhà đầu tư rất đúng đắn, phù hợp tình hình thực tế.
"Khi tham gia hình thức này, ngoài việc các khách sạn duy trì được hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động còn là sự sự đồng hành của các cơ sở lưu trú cùng với thành phố chung tay phòng, chống COVID-19", bà Thắng nói.