Chiều 10/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, TP đã điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng khu vực nguy cơ.
Theo HCDC, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, TP sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch khác nhau đối với từng khu vực nguy cơ.
Trong đó, thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Ngoài ra, đối với khu vực có quy mô phường, khu phố thì xác định nguy cơ theo số ca mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày. Tùy theo điều kiện thực tế cụ thể để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp, có thể ở mức cao hơn hoặc thấp hơn.
Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), thành phố áp dụng cách ly F1 tại nhà, tuân thủ theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế.
Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại nhà/ gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư... thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra các khu cách ly tập trung.
Thành phố cũng sẽ bố trí, cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến trực tiếp các nhà ở/hộ gia đình và thực hiện việc theo dõi, giám sát hàng ngày.
Toàn bộ người dân ở khu vực này sẽ được lấy mẫu 3 ngày/lần tại nhà ở/ hộ gia đình để xét nghiệm; Thực hiện gộp theo nhà ở/ hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), có thể thí điểm gộp mẫu 3 hoặc mẫu 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Tại khu vực nguy cơ cao, F1 cũng được cách ly tại nhà, tuy nhiên đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe và có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.
Tuy nhiên nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.
Toàn bộ người dân ở khu vực nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu 7 ngày/ lần tại nhà ở/ hộ gia đình, có thể tăng tần suất nếu cần, lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong nhà ở/ hộ gia đình, thực hiện gộp mẫu như khu vực nguy cơ rất cao.
Đối với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), việc cách ly các F1 tại nhà tương tự ở khu vực có nguy cơ cao. Tại khu vực này, thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/ hộ gia đình, trong phòng… là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong gia đình, trong phòng hoặc người được phép đi ra ngoài (đi lấy thực phẩm, làm nhiệm vụ, làm việc theo yêu cầu...).
Ngoài ra, các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu sẽ thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần.