Tại họp báo chiều 18/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, qua ứng dụng VNEID của Bộ Công an, thống kê đến ngày 16/9, công an thành phố phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 di chuyển trên đường qua các chốt, trạm kiểm soát.
Theo ông Hà, trong 135 trường hợp cảnh báo là F0 có 33 người đã khỏi bệnh, 102 trường hợp còn lại là F0 (trong đó 26 người đi cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà).
“Trong 102 F0 thì có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường, chúng tôi đã thu 10 giấy, báo hủy 40 giấy. Các trường hợp còn lại không thuộc diện được cấp giấy đi đường là: người đi cách ly, người đi tiêm vaccine, đi xét nghiệm, xuất viện từ bệnh viện về nhà tiếp tục cách ly…”, ông Hà cho biết.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM.
Về công tác kiểm soát người di chuyển tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ (3 địa phương cơ bản kiểm soát được dịch), ông Hà cho biết, Công an TP.HCM đã giao công an 3 địa phương này phối hợp tham mưu cho UBND quận, huyện cùng cấp để xây dựng kế hoạch mở lại một số hoạt động mà TP.HCM cho phép.
Bên cạnh đó, công an thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án bố trí lại chốt kiểm soát phù hợp với kế hoạch của UBND thành phố tại các địa phương này.
“Công an TP.HCM cũng chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát, đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch với người lao động, nhân viên giao hàng, người dân tại các địa phương”, ông Hà nói.
Từ 16/9, TP.HCM mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần.
Riêng quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên các quận, huyện này và khu công nghệ cao sẽ được thí điểm cơ chế riêng. Người dân của các quận, huyện này được đi chợ một lần/tuần.