Chiều 11/9, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị mở rộng để cho ý kiến về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM sau ngày 15/9.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh TP đang trong giai đoạn cao điểm thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ. Trong tuần đầu tiên khởi động nhanh, TP.HCM đã “vượt chướng ngại vật”, đạt những kết quả ban đầu.
Tuần thứ hai là tuần thần tốc, TP.HCM vừa phải tăng tốc, vừa phải ứng phó với những phát sinh mới trong giai đoạn cao điểm. Từ ngày 7/9 đến nay, TP.HCM ghi nhận tín hiệu ngày càng sáng sủa qua những con số thống kê.
Cụ thể, số lây nhiễm qua các đợt xét nghiệm thần tốc ở vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng, vùng xanh ngày càng thấp dần. Ca bệnh nặng cũng ngày càng giảm dần. Một số quận, huyện thông báo bệnh nhân và ca tử vong trong cộng đồng cũng đã giảm.
Trong 2 ngày qua, TP.HCM ghi nhận số tử vong dưới 200 người. “Chúng ta chờ đợi những con số này rất lâu rồi”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Về an sinh xã hội, ông Nguyễn Văn Nên nhận định ngoài những nơi làm tốt, vẫn còn một số địa bàn bị phản ánh nhiều. Bí thư Thành ủy yêu cầu các địa phương phải nỗ lực hơn nữa để không bỏ sót người dân.
Đến nay, TP.HCM đã tổ chức 7 đoàn khảo soát ở các quận, huyện. Ba địa phương cơ bản kiểm soát được dịch là huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và quận 7. Nhiều nơi khác cũng có những chuyển biến tích cực.
TP.HCM đang chuẩn bị rất khẩn trương hàng loạt kế hoạch, chiến lược cho giai đoạn bình thường mới sau ngày 15/9. Từ bức tranh tổng thể hiện nay, hội nghị sẽ góp ý để hoàn thiện, chuẩn bị cho những kịch bản trong những ngày tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại cuộc họp sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế sớm ban hành chiến lược tổng thể phòng chống dịch cho cả nước thời gian tới. Trên nền chiến lược tổng thể này, TP.HCM sẽ có căn cứ để phục hồi kinh tế.
TP.HCM chủ động làm trước, tuy nhiên, vẫn phải dựa trên cơ sở từ chiến lược tổng thể này. Ông Mãi cho biết thêm Thủ tướng đã chỉ đạo Chính phủ thành lập tổ công tác về phục hồi kinh tế sau dịch.
Như vậy, TP.HCM sẽ có 2 cơ sở. Một là chiến lược tổng thể của ngành y tế để TP.HCM triển khai kế hoạch chiến lược phòng chống dịch. Thứ hai, TP.HCM có sự trợ lực từ tổ công tác về phục hồi kinh tế sau dịch của Chính phủ.
Tuy nhiên, TP.HCM không thể chậm trễ hơn nên phải chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau 15/9.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Trong quá trình triển khai, ngoài 4 tổ trực tiếp mà UBND TP.HCM đã lập, TP sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia về y tế, kinh tế, văn hóa - xã hội. Thành phố cũng tổ chức lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, TP đã lấy ý kiến đợt 1 từ tổ công tác của Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Về an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đến giờ này, TP.HCM kết thúc chi hỗ trợ các chính sách trước đây và lập gói chính sách mới hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch trong 2 tháng 9 và 10/2021. Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM cũng có tờ trình cơ chế để phát huy y tế tư nhân.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng sau đại dịch, vấn đề xã hội rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến người lao động, tình hình dân số, dân cư, nhà ở…
Bà Lệ cho rằng cần tập trung, tạo điều kiện cho 3 địa bàn là quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả vận tải. Để thuận tiện cho người dân và công tác quản lý, Chủ tịch HĐND nói nên áp dụng một thẻ xanh COVID-19 với các cấp độ, không nên áp dụng nhiều thẻ (thẻ xanh, thẻ vàng).
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ.
Về triển khai gói an sinh, bà Lệ gợi ý TP.HCM cần phải tính toán chặt chẽ, dài hơi, đảm bảo an sinh cho người dân; cần sớm hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tránh trường hợp “đợi dài cổ mới được hỗ trợ”.
Chủ tịch HĐND nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cho tuyến y tế cơ sở hoạt động và có chiến lược về nguồn nhân lực đối với cán bộ ở xã, phường, thị trấn.
Về kế hoạch phục hồi kinh tế, bà Lệ đề nghị cần có giải pháp thu hút người lao động đã nghỉ việc về quê trở lại TP.HCM. Trong đó, nên ưu tiên tiêm vaccine, hỗ trợ an sinh, chỗ ở… cho người lao động.
"Cần áp dụng quy định cụ thể về quy chuẩn trong việc xây dựng nhà trọ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn PCCC và các điều kiện cơ bản đối với người ở trọ", bà Lệ nói và cho rằng TP.HCM cũng cần nghiên cứu, đề xuất Trung ương có chính sách miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ với các chủ nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp; tiêm vaccine giúp người lao động, tăng đối thoại để tháo gỡ các vướng mắc nhằm giữ chân các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).