Tại chương trình "Cà phê doanh nhân" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức trực tuyến ngày 25/9, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, từ nay đến ngày 30/9, thành phố dự kiến sẽ tháo gỡ các chốt trạm trong địa bàn.
Ông Ngân cho biết tại phiên họp ngày 24/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã cung cấp thông tin này. Dù vậy, ở các cửa ngõ ra vào thành phố vẫn sẽ có những chốt, trạm để đảm bảo sự an toàn chung cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết, thành phố đang theo hướng lấy shipper làm thí điểm trao niềm tin cho người dân trong quá trình tự xét nghiệm và tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Trong các bộ tiêu chí mà thành phố xây dựng đã có sự thay đổi so với giai đoạn trước rất lớn. Doanh nghiệp phải tự làm, tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. "Trong tương lai không còn loại giấy nào liên quan đến việc xét nghiệm và sẽ được tích hợp vào ứng dụng và thành phố đang xây dựng", ông Vũ nói.
Ông Vũ nhấn mạnh thời gian tới doanh nghiệp có quyền chủ động trong tất cả các khâu của mình. "Quan điểm của thành phố sẽ chỉ kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên các tuyến đường. Theo đó các rào chắn sẽ được gỡ bỏ và sẽ kiểm tra, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên", ông nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho rằng, trong kế hoạch phục hồi và mở cửa kinh tế, TP cần làm rõ ràng, minh bạch và có lộ trình.
"Đồng thời, doanh nghiệp cũng rất cần có chính sách đưa người lao động trở về TP.HCM và thành lập tổ kiểm tra, đo lường tiến độ kết quả mà chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp", ông đề xuất.
Quan điểm của thành phố thời gian sắp tới sẽ chỉ kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên các tuyến đường.
Đặc biệt, Bộ Y tế cần có chỉnh sửa về quy định khi có F0 và ban hành hướng dẫn chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người lao động của doanh nghiệp. "Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phải bình ổn giá test COVID-19 bởi hiện nay giá kit test ngoài thị trường không đồng đều, lúc tăng lúc giảm khiến đơn vị tốn chi phí lớn", ông Việt nói.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Phúc Khang cũng cho rằng, Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp một cách sớm nhất tiếp cận các văn bản pháp quy cũng như chủ động để kiểm soát dịch bệnh tại chỗ, giúp giảm chi phí vừa chủ động sản xuất kinh doanh.
"Một số doanh nghiệp có quy mô hàng chục nghìn lao động nhưng vẫn chưa có các chính sách để huy động lại nguồn lực lao động", bà cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh nhận định, hiện nay chính quyền thành phố vẫn còn khá lúng túng trong việc đưa ra định hướng "Zero COVID", sống chung với COVID-19 hay thích ứng với COVID-19 khiến doanh nghiệp rất khó tái lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng như thế nào.
"Bởi toàn bộ hoạt động đều phụ thuộc vào chính sách chung. Khi muốn tái lập sản xuất kinh doanh nhưng logistic, vận chuyển, người lao động không lưu thông được thì doanh nghiệp rất khó hoạt động", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Ngân cho rằng những độ trễ về chính sách cũng khiến doanh nghiệp không trở tay kịp. Đồng thời, ông biết hiện nay nếu không có tính liên kết vùng, doanh nghiệp sẽ không thể phục hồi sản xuất được. Do đó, chính quyền cần rõ ràng, nhất quán trong các quy định lưu thông giữa các tỉnh và vấn đề lao động.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, hiện nay thành phố cần xem xét lại vấn đề xét nghiệm cho người lao động tại các doanh nghiệp. "Bởi nếu như 3-7 ngày/lần test sẽ khiến xét nghiệm sẽ trở thành một tảng đá đè chết doanh nghiệp", ông nói.