Hàng trăm dự án "đắp chiếu" vì nghẽn pháp lý
Thông tin từ UBND TP.HCM, trong quý III/2022, Sở Xây dựng TP đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai cho 4 dự án với tổng cộng 2.144 căn nhà, giảm 200% số dự án so với quý trước.
Dự án được cấp phép mới trong quý chỉ có 2 dự án với quy mô 2.057 căn; 5 dự án nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị đang triển khai với quy mô 3.367 căn.
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện trên địa bàn TP có hơn 100 dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý cần các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.
Một góc thị trường căn hộ TP.HCM.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện các dự án bất động sản bị vướng mắc do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có một nguyên nhân chủ yếu là do “vướng mắc, bất cập” của một số quy định của một số văn bản luật, văn bản dưới luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa liên thông, chưa sát thực tiễn đã và đang làm hạn chế sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản.
Qua thống kê của HoREA, nguồn cung nhà ở giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Nếu so sánh với năm 2017 là năm thị trường bất động sản TP.HCM có nguồn cung cao nhất với 42.991 căn nhà thì nguồn cung năm 2018 chỉ bằng 65,8%; năm 2019 chỉ bằng 53,6%; năm 2020 chỉ bằng 39,2%; năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2022 nguồn cung chỉ có 9.456 căn nhà, bằng 44 % so với 6 tháng đầu năm 2017.
Điều này cho thấy, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “giảm tốc”, trầm lắng; doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu; nhà đầu tư thứ cấp đang khó khăn.
“Việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật sẽ tháo gỡ ách tắc cho nhiều dự án bất động sản, nhà ở, giúp làm tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường, xử lý tình trạng khan hiếm nhà ở, mất cân đối cung - cầu nhà ở dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây, đáp ứng nhu cầu tạo lập nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở”, ông Châu nhận định.
Tất cả vướng mắc trên đang khiến cho thị trường bất động sản ách tắc, dự án nằm im, doanh nghiệp lâm vào khó khăn, giá nhà ngày càng tăng khiến người có nhu cầu nhà ở ngày càng khó với tới.
Trước tình trạng này, từ tháng 5/2022 đến nay, UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản giao các sở, ngành liên quan khẩn trương xem xét, kịp thời làm việc và hướng dẫn chủ đầu tư các dự án thực hiện theo quy định nhưng bế tắc của các dự án vẫn chưa thể tháo gỡ.
Một dự án bất động sản tại TP.HCM mở bán hồi tháng 6/2022.
Doanh nghiệp bế tắc vì mòn mỏi chờ duyệt hồ sơ
Điển hình trong hàng trăm dự án nghẽn pháp lý là dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) của Công ty CP địa ốc Thảo Điền đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa triển khai vì thiếu thủ tục giao đất.
Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 2) của Công ty Lê Thành, theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây TP, vị trí khu đất giai đoạn 2 thuộc quy hoạch đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được điều chỉnh quy hoạch cục bộ vì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời theo Luật Đầu tư mới thì chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình UBND TP chấp thuận đầu tư.
Hay mới đây, Công ty TNHH Gotec Việt Nam phải gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan báo chí về việc Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM) bị "ngâm" hồ sơ đến nay vẫn chưa thể mở bán dù đã đủ điều kiện.
Theo Gotec Việt Nam, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đầy đủ pháp lý như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng... Dự án đã thi công hoàn thiện phần móng, hầm và tầng 1. Hiện dự án đang tiếp tục thi công các tầng tiếp theo kế hoạch, đã đủ điều kiện để được cấp Thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại.
Từ tháng 6/2022 đến nay, doanh nghiệp đã 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp Thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại theo Biên nhận hồ sơ của Sở Xây dựng. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa được duyệt.
Dự án của Gotec Việt Nam ở quận 7 đã thi công hoàn thiện phần móng, hầm và tầng 1.
Trong phản hồi mới nhất, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Sở đã có công văn đề nghị công ty liên hệ Sở TN&MT để nắm lại tiến độ thực hiện chỉ đạo của UBND TP và phối hợp trong công tác rà soát. Sau khi UBND TP có ý kiến đối với nội dung rà soát của Sở TN&MT, Sở Xây dựng sẽ xem xét thực hiện thủ tục xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án theo quy định pháp luật.
Gotec Việt Nam cho rằng, việc từ chối giải quyết thủ tục xác nhận đủ điều kiện bán cho công ty là sai quy định pháp luật, và đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
"Đã 6 tháng kể từ khi chúng tôi nộp hồ sơ lần đầu để xin cấp thông báo đủ điều kiện bán, liên hệ đủ nơi, đủ chỗ và chỉ nhận được câu trả lời “đợi rà soát” không biết khi nào mới xong, trong khi các sự việc này đã được rà soát. Chúng tôi là bên đi mua, đã thanh toán đủ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, được cấp giấy chứng nhận, đã hoàn thành các thủ tục đầu tư - xây dựng và hiện đang triển khai thi công.
Hiện các doanh nghiệp bất động sản hiện tại đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do suy thoái và siết chặt nguồn tín dụng để phát triển các dự án, chúng tôi chỉ còn biết trông chờ vào việc bán các sản phẩm bất động sản đã đủ điều kiện kinh doanh để duy trì hoạt động của công ty và tiếp tục thực hiện dự án như đã cam kết. Với việc từ chối giải quyết thủ tục như vậy, công ty chúng tôi đang phải gánh chịu các thiệt hại cực kỳ nặng nề", đơn cầu cứu của Gotec Việt nam ghi.
Doanh nghiệp mong Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM… có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Sở Xây dựng TP.HCM giải quyết, cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai cho công ty chúng tôi, để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh chung đang hết sức khó khăn hiện tại.