Ngày 9/11, UBND TP.HCM đề nghị Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn không để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung; đồng thời duy trì hoạt động bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.
Các thương nhân đầu mối và điều phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho đại lý và cửa hàng bán lẻ hợp lý.
Người dân đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu ở TP Thủ Đức.
Sở Công Thương và Cục quản lý thị trường TP.HCM có trách nhiệm giám sát chặt việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cũng cần cam kết thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Hiện TP.HCM có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trên tổng số 34 doanh nghiệp trên cả nước; 60 thương nhân phân phối và 1 thương nhân làm tổng đại lý trên tổng số 332 thương nhân của cả nước. Đồng thời, trong số 17.000 cửa hàng bán lẻ khắp cả nước, TP có 29 đại lý bán lẻ và 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Hồi tháng 2, hàng loạt cây xăng trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam đồng loạt treo biển hết hàng, tạm nghỉ bán vì thiếu hụt nguồn cung, giá bán ra thấp hơn giá nhập vào. Hơn 6 tháng sau, tình trạng này tái diễn với lý do tương tự.
Đỉnh điểm 2 tháng vừa qua, loạt cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM đóng cửa, nhiều cây xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô. Nhiều cửa hàng tại khu vực phía nam tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng. Điều này khiến người dân ồ ạt đổ về các cây xăng chờ mua, gây ra tình trạng rối loạn, quá tải.
Đến nay, tình trạng người dân chờ đợi đến lượt tại các cây xăng ở TP.HCM vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong công điện phát đi ngày 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.