Ngày 21/8, Reuters đưa tin, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo nước này sẽ chuyển giao 19 tiêm kích F-16 cho Ukraine. 6 chiếc đầu tiên sẽ được chuyển đến Ukraine vào trong ngày đầu năm sau, tiếp theo là 8 chiếc trong năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025.
Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Jakob Ellemann-Jensen, Ukraine chỉ được sử dụng những chiếc F-16 trong lãnh thổ của mình.
"Chúng tôi viện trợ loại vũ khí này với điều kiện họ chỉ sử dụng chúng để đẩy đối phương khỏi lãnh thổ Ukraine, không được phép xa hơn. Đây là những điều kiện áp dụng với mọi khí tài, trong đó có xe tăng và tiêm kích", ông Ellemann-Jensen nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến thăm căn cứ không quân Eindhoven của Hà Lan hôm 20/8. (Ảnh: RTE)
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng tuyên bố sẽ cung cấp số lượng tiêm kích F-16 chưa xác định cho Ukraine sau khi các điều kiện chuyển giao được đáp ứng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một bài phát biểu trước tòa nhà quốc hội Đan Mạch ngày 21/8 sau khi thông tin Đan Mạch, Hà Lan chuyển giao F-16 được công bố đã gọi quyết định này là một "thỏa thuận đột phá".
Ông Zelensky cho rằng cam kết cung cấp tiêm kích F-16 của Đan Mạch, Hà Lan khiến ông tự tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng.
Quân đội Ukraine cho biết những chiếc F-16 rất quan trọng đối với sự thành công của chiến dịch phản công của Kiev vốn đã diễn ra chậm chạp kể từ khi ra mắt vào đầu tháng 6. Lực lượng Ukraine lép vế hoàn toàn khi Nga là bên chiếm ưu thế trên không.
"Ưu thế trên không là chìa khóa thành công trên mặt đất", phát ngôn viên lực lượng không quân Yuriy Ihnat cho biết.
Trước đó, ngày 19/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói rằng các phi công Ukraine đã bắt đầu được đào tạo với F-16, nhưng sẽ mất ít nhất sáu tháng và có thể lâu hơn để đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật mặt đất.
Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin cho rằng cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine sẽ khiến xung đột tiếp tục leo thang.
"Với cái cớ là Kiev phải tự quyết định điều kiện hòa bình, những hành động và phát biểu của Đan Mạch khiến Ukraine không còn lựa chọn nào ngoài tiếp tục đối đầu quân sự với Nga", ông Barbin cho hay.
Đan Mạch và Hà Lan, hai quốc gia thành viên NATO đang dẫn đầu các nỗ lực quốc tế để đào tạo phi công cũng như nhân viên hỗ trợ, bảo trì và cuối cùng là giúp Ukraine có được F-16. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 17/8 gửi thư tới những người đồng cấp Đan Mạch và Hà Lan để đảm bảo với họ rằng các yêu cầu chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ được chấp thuận.