Sắc lệnh có tên "Alipay, CamScanner, QQ Wallet, SHAREit, Tencent QQ, VMate, WeChat Pay và WPS Office".
Lệnh này giao cho Bộ Thương mại Mỹ xác định giao dịch nào sẽ bị cấm theo chỉ thị và nhắm mục tiêu vào QQ Wallet và WeChat của Tencent.
Nguồn tin của Reuters khẳng định việc ban hành sắc lệnh mới nhằm hạn chế mối đe dọa đối với người Mỹ do các ứng dụng phần mềm Trung Quốc gây ra. Các ứng dụng này vốn có lượng người dùng lớn và quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm.
Chính quyền Trump liên tục tung ra các đòn trừng phạt Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Một quan chức Mỹ lưu ý, sắc lệnh cho Bộ Thương mại 45 ngày để "hành động". Nhưng Bộ này sẽ sớm xác định các giao dịch bị cấm trước ngày 20/1, thời điểm ông Trump rời nhiệm sở.
Bất cứ giao dịch nào bị chính quyền Trump cấm có khả năng sẽ phải đối mặt với các thách thức tới từ toà án. Tương tự như với các lệnh cấm giao dịch với WeChat và TikTok từng bị các thẩm phán liên bang chặn lại.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói ông ủng hộ cam kết bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người Mỹ khỏi các mối đe dọa tới từ Trung Quốc.
Theo Reuters, động thái mới này của Mỹ sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trước ngày ông Biden nhậm chức.
Càng về cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump càng cho thấy sự cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc, liên tục giáng các đòn trừng phạt mạnh tay lên nước này.
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt của Washington không phải là điều mới mẻ bởi quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump với Trung Quốc là rất rõ ràng. Nhưng sự khác biệt là tính chất và cường độ của các lệnh trừng phạt này ngày càng gia tăng khi ông Trump chuẩn bị rời Nhà Trắng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các lệnh trừng phạt này của ông Trump là để nhằm “trói chân”, khiến cho chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden gặp nhiều khó khăn trong cách tiếp cận về chính sách đối ngoại với Trung Quốc.