Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tổng thống Trump sẽ từ chức sớm?

(VTC News) -

Áp lực rời nhiệm sở trước khi nhiệm kỳ kết thúc ngày càng gia tăng với Tổng thống Trump, liệu nhà lãnh đạo Mỹ có từ chức trước hạn?

Hôm 8/1, bà Lisa Murkowski trở thành Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đầu tiên công khai yêu cầu Tổng thống Trump từ chức sau vụ bạo loạn tại đồi Capitol. 

“Tôi muốn ông ấy từ chức. Tôi muốn ông ấy rời văn phòng. Ông ấy đã gây ra đủ thiệt hại", bà Murkowski nhấn mạnh. 

Đảng Dân chủ đang rốt ráo chuẩn bị các bước thủ tục cần thiết để luận tội ông Trump lần hai với lý do "kích động biểu tình" và một số cáo buộc khác. Truyền thông Mỹ loan tin phe Dân chủ dự kiến công bố nghị quyết luận tội vào ngày 11/1 tới. 

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse nói ông sẽ xem xét bỏ phiếu phế truất Tổng thống nếu Hạ viện thông qua luận tội Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)

Một cuộc khảo sát do Reuters/IPSOS thực hiện cho thấy 57% người Mỹ muốn ông Trump bị phế truất. Tại New York, các cuộc biểu tình lớn nhỏ nổ ra với yêu cầu truất quyền của cả tổng thống và phó tổng thống.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Charles Schumer thúc giục Phó Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 để buộc ông Trump rời nhiệm sở sớm. 

Điều này cần sự ủng hộ của một nửa Nội các. Truyền thông Mỹ cho biết đang có các cuộc thảo luận giữa các quan chức chính quyền về vấn đề này.

Theo The Hill, ông Trump đang ngày càng bị cô lập sau vụ bạo loạn hôm 6/1. Các đồng minh bắt đầu quay lưng với ông. Cũng không còn nhiều quan chức lên tiếng bảo vệ Trump như trước đó. Một số quan chức chính quyền từ chức, đổ lỗi cho Tổng thống kích động bạo loạn

Tuy nhiên, The Hill dẫn nguồn tin thân cận với tổng thống bác bỏ viễn cảnh Trump từ chức trước ngày 20/1. 

Khi nói về việc phế truất người tiềm nhiệm, ông Biden khẳng định đây là quyết định của Quốc hội còn ưu tiên của ông hiện tại là đối phó với dịch bệnh, phân phối vaccine và phục hồi kinh tế. 

Nhưng ông cũng nhấn mạnh "Trump không phù hợp làm Tổng thống" và "đã đến lúc ông ấy phải ra đi".

Cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ châm ngòi cho làn sóng từ chức tại Nhà Trắng. Tính tới hiện tại, 8 quan chức chính quyền, bao gồm hai thành viên Nội các đã đệ đơn từ chức. 

Với những người còn lại, một số tuyên bố sát cánh cùng Tổng thống trong những ngày cuối cùng. Một số dành thời gian nghỉ ngơi. 

Phe Cộng hòa thúc giục các quan chức như Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien ở lại trong bối cảnh sẽ có một cuộc di tản hàng loạt trong tuần tới. 

Một số quan chức như Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows giữ im lặng kể từ sau cuộc bạo loạn hồi giữa tuần. 

Theo Bloomberg, Tổng thống Trump đang tính tới chuyện ân xá cho mình trong bối cảnh ông có thể sẽ bị các công tố viên liên bang điều tra vì các hành động trước cuộc bạo loạn. 

Các luật sư của Trump được cho là đang tư vấn cho ông về cách tự bảo vệ mình khỏi các cáo buộc hình sự. Những cuộc thảo luận này có thể ảnh hưởng tới cách thức và thời điểm ông chủ Nhà Trắng rời nhiệm sở. 

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất của phe Dân chủ kêu gọi ông Trump từ chức. (Ảnh: Roll Call)

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luật cho rằng thời gian 11 ngày tới là quá ngắn cho nỗ lực bãi nhiệm Trump. 

Hiến pháp Mỹ quy định nếu Tổng thống bị luận tội ở Hạ viện, vấn đề này sẽ tiếp tục được chuyển lên Thượng viện, nơi các thượng nghị sỹ sẽ xem xét các bằng chứng và quyết định có phế truất Tổng thống hay không. Ông Trump sẽ bị buộc rời nhiệm sở nếu có ít nhất 2/3 Thượng viện bỏ phiếu thông qua bãi nhiệm ông. Đảng Cộng hòa đang nắm tới 52/100 ghế tại Thượng viện.

Giới chuyên gia nhận định, nếu Hạ viện định luận tội Tổng thống lần này, mọi thứ sẽ rất khác so với hồi cuối năm 2019. Trong lần Trump bị luận tội trước đây, các khâu thủ tục cũng như các phiên điều trần kéo dài khiến cho việc luận tội Trump ở Hạ viện bị trì hoãn. 

Nhưng lần này, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện có thể triệu tập các nghị sĩ để họp kín và biểu quyết. Tiến trình luận tội Tổng thống có thể diễn ra chỉ trong vài ngày. 

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở Thượng viện. Lãnh đạo phe đa số Thượng viện - Mitch McConnell, được cho là không khuyến khích nội chiến trong đảng. Nhiều thượng nghị sỹ Cộng hòa cũng không đồng thuận với việc phế truất. Điều này có thể kéo dài thời gian bắt đầu phiên xét xử ở Thượng viện. 

Nhưng cũng có những quan chức Cộng hòa đang giận dữ, kêu gọi các đồng nghiệp trong đảng làm điều đúng đắn. 

Cựu Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Alyssa Farah hôm 8/1 nói với CNN rằng ông Trump nên "nghiêm túc xem xét" việc từ chức và thừa nhận ông nói dối công chúng Mỹ về cuộc bầu cử. 

Theo các phụ tá của Trump, từ chức có thể là một lựa chọn với Trump khi ông tin mình sẽ bị luận tội và phế truất. Nhưng điều này gây khó dễ cho chiến dịch tái tranh cử Tổng thống vào năm 2024. 

Hôm 8/1, Trump tuyên bố không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, trở thành Tổng thống mãn nhiệm đầu tiên làm điều này kể từ năm 1867. Nhiều dự đoán nói Trump và gia đình sẽ rời Nhà Trắng để tới khu nghỉ dưỡng của ông tại Mar-a-Lago vào ngày 19/1. 

Các đồng minh hiện tại và trước đây hy vọng Tổng thống sẽ không gây thêm thiệt hại gì cho quốc gia hoặc tạo thêm bất ổn gì trong thời gian còn lại tại văn phòng. 

Trong bài phát biểu hôm 7/1, ông Trump lên án bạo lực, nhưng không đề cập tới vai trò của những người ủng hộ mình trong đó. Ông kêu gọi bình tĩnh và cam kết sẽ chuyển giao quyền lực một cách có trật tự. 

Tới sáng 8/1, ông đăng tải dòng trạng thái Twitter, dường như là để bảo vệ những người ủng hộ mình.

"75 triệu người Mỹ yêu nước vĩ đại đã bầu cho tôi, cho mục tiêu 'nước Mỹ trên hết', 'làm nước Mỹ vĩ đại trở lại' sẽ tạo nên ảnh hưởng to lớn cho tương lai. Họ nên được đối xử tôn trọng và công bằng dù theo bất cứ cách thức hay hình thức nào!", ông Trump viết.

Song Hy

Tin mới