Chuyến đi ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 13-14/2. Ông Macron sẽ đến thăm Odessa - cảng lớn nhất Ukraine ở biển Đen, sau đó tới Kiev.
Chính phủ Pháp chưa bình luận về thông tin chuyến đi bị hủy. Ngày chính xác các chuyến đi của các nhà lãnh đạo nước ngoài tới Ukraine thường không được tiết lộ trước.
Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Ukraine Zelensky tại Pháp. (Ảnh: Getty)
Lần cuối cùng ông Macron đến thăm Kiev là vào tháng 6/2022, bốn tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự. Ngoại trưởng mới của Pháp, Stephane Sejourne, đã có chuyến thăm thủ đô Ukraine vào tháng 1/2024, nơi ông gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn.
Trong cùng tháng, ông Macron tuyên bố Pháp sẽ cung cấp thêm 40 tên lửa hành trình phóng từ trên không SALP-EG và “hàng trăm quả bom” cho Ukraine. Ngoài ra, ông cho biết sẽ “hoàn tất” thỏa thuận an ninh song phương trong chuyến đi Ukraine.
Trong một thỏa thuận tương tự mà Kiev đã ký với London, Ukraine sẽ nhận được “hỗ trợ an ninh nhanh chóng và bền vững, trang bị quân sự hiện đại trên tất cả các lĩnh vực” trong trường hợp Nga tấn công trong tương lai.
Nga triệu tập đại sứ Pháp vào tháng 1 để phản đối việc “hàng chục người Pháp” chiến đấu trong quân đội Ukraine. Bộ Ngoại giao Pháp bác bỏ tuyên bố của Moskva về việc Pháp triển khai “lính đánh thuê" ở Ukraine. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sebastien Lecornu cho biết Paris không thể ngăn cản “thường dân Pháp” tới Ukraine và tham gia cuộc chiến ở phía Kiev.
Đầu tháng 2, Pháp triệu tập đại sứ Nga về cái chết của hai nhân viên cứu trợ Pháp trong một cuộc không kích ở Ukraine.
Theo nguồn tin Sputnik, hơn 300 lính đánh thuê Pháp đã tới Ukraine để tham chiến trong xung đột Nga - Ukraine. Trong đó, tính đến tháng 1, tổng cộng 50 lính đánh thuê Pháp vẫn ở trong khu vực hoạt động quân sự.
“Một số người trong số họ phục vụ trong Trung đoàn Nhảy dù số 2 của quân đoàn nước ngoài thuộc lữ đoàn dù số 11 của Lực lượng vũ trang Pháp tại thị trấn Calvi trên đảo Corsica”, nguồn tin Sputnik cho biết.
Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine đối đầu Nga. Moskva cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.