Cơ bản hoàn thành các mục tiêu năm 2022
Năm 2022, tổng doanh thu tập đoàn đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 97,5% kế hoạch. Lợi nhuận Tập đoàn đạt 6.629 tỷ đồng, bằng 104,6% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5.228 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 9,35%. Đảm bảo 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động trong mặt bằng chung so với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Doanh thu dịch vụ băng rộng duy trì mức tăng trưởng 6% trong năm 2022, giữ vững thị phần vị trí số 1. Dịch vụ truyền hình trả tiền có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt trên 20%, duy trì liên tục trong 3 năm 2020 – 2022 và chiếm vị trí số 1 về thị phần.
Doanh thu một số nhóm dịch vụ số doanh nghiệp có mức tăng khả quan so với cùng kỳ 2021, trong đó đặc biệt tăng mạnh tại các nhóm dịch vụ: Hạ tầng số (tăng 57%), Giáo dục số (tăng 74%), Quản trị doanh nghiệp (tăng 68%).
Dịch vụ 5G được VNPT mở rộng thử nghiệm thương mại tại nhiều tỉnh/thành phố. Dung lượng kết nối Internet quốc tế tăng 20%.
Năng lực hạ tầng CNTT được nâng cấp, mở rộng đáng kể so với năm 2021. Năng lực hạ tầng cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu tăng 15%. Hạ tầng điện toán đám mây SmartCloud với khả năng co giãn tự động, tự phục vụ và trả tiền theo nhu cầu sử dụng, tăng hơn 5 lần so với năm 2021.
Ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng Giám đốc VNPT cho biết, tới đây Tập đoàn sẽ giao kế hoạch đồng bộ cho các đơn vị và yêu cầu tổ chức triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.
Cụ thể, tiếp tục mở rộng kênh bán có độ phủ rộng, hiệu quả, bền vững phù hợp với xu thế kinh doanh trên môi trường số, làm sao nâng được tỷ trọng bán hàng trên kênh môi trường số.
VNPT địa bàn Nghệ An được vinh danh địa bàn xuất sắc toàn diện.
Tiếp tục với nội dung liên quan đến dữ liệu như năm ngoái: Áp dụng phân tích dữ liệu, dự báo thuê bao có thể chuẩn bị rời mạng để kiểm soát tỷ lệ hủy. Ngoài ra, đặc biệt lưu ý đến việc giải quyết các tồn tại về thông tin thuê bao không đáp ứng quy định, sửa đổi hoàn thiện quy trình về quản lý thông tin thuê bao, chuẩn hoá thông tin thuê bao, ngăn chặn và xử lý SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
“Năm 2022 sắp kết thúc, một năm VNPT đã bắt đầu có những thay đổi căn bản thấy rõ ở các mặt quản trị, quy trình, sản phẩm, và trải nghiệm. Chúng ta sẽ không dừng bước trước thách thức của quá trình thay đổi tự làm mới chính mình, vì ta biết đó là con đường sẽ mở ra những khả năng bứt phá cho Tập đoàn chúng ta trong những năm tiếp theo”, ông Liêm nhấn mạnh.
Tại hội nghị, nhiều đơn vị được nhận bằng khen dẫn đầu phong trào thi đua.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Uỷ ban ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể Lãnh đạo và cán bộ của Tập đoàn VNPT trong năm 2022.
Ủy ban cũng đã đặt ra những chỉ tiêu kinh doanh và nhiệm vụ, giải pháp của Tập đoàn trong năm tới.
Thứ nhất, trên cơ sở các chỉ tiêu được giao, Tập đoàn cần triển khai nhanh và mạnh nhiều giải pháp để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu này. Trong bối cảnh lợi nhuận của mảng viễn thông truyền thống có xu hướng đi ngang, Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh khai phá các lĩnh vực mới, phấn đấu các lĩnh vực mới phải tăng trưởng hơn mức 35% mà Kế hoạch đã đặt ra, dần dần trở thành nguồn thu chủ lực của Tập đoàn.
Thứ hai, thị trường công nghệ thông tin, nền kinh tế số đang đòi hỏi mọi doanh nghiệp phải thường xuyên thích ứng, thay đổi, đưa ra các quyết sách sáng tạo, nhanh chóng. Vì vậy, Tập đoàn cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới, sáng tạo ở tất cả các đơn vị trong Tập đoàn.
Tiếp tục xây dựng và phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, hiện đại có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ công ích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thứ ba, để có thể xác định một không gian tăng trưởng mới, một phương hướng phát mới trong thời gian tới, VNPT cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển, Kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn 5 năm, Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 để có thể xin ý kiến các Bộ ngành và trình TTCP ngay trong đầu năm 2023.
Thứ tư, nguồn lực về con người đặc biệt quan trọng đối với ngành viễn thông, công nghệ thông tin. Để có thể đổi mới, hoàn thành những nhiệm vụ của kế hoạch 2023, VNPT cần tiếp tục đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự VNPT bắt kịp với các xu hướng kinh doanh, công nghệ mới. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ của tất cả các đơn vị cần tiếp tục được rà soát, bổ sung, kiện toàn.