“Nhà nước kiến tạo” là gì?
Về khái niệm “Nhà nước kiến tạo”, “Chính phủ kiến tạo” mà dư luận nói nhiều đến trong thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có những phân tích khá sâu về thuật ngữ cũng như những thuộc tính căn bản của khái niệm này.
Video: Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng phân tích khái niệm "nhà nước kiến tạo"
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng phân tích: "Thực ra, nhà nước kiến tạo phát triển là thuật ngữ được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson (1931-2010) đưa ra từ năm 1982, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng, trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó.
Sau này, ngoài Nhật Bản ra, các nước Đông Á và nhiều nước khác đã đi theo xu hướng này và đều được coi là những nhà nước kiến tạo phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: "Nhà nước kiến tạo là nhà nước phải tránh được các rủi ro chính sách cho người dân".
Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa mô hình nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị trường tự do) và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống).
Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường mà nhà nước chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra.
Đây là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung.
Chính phủ kiến tạo phát triển là một trong những thuật ngữ đang vào “mốt” và được nhắc tới nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, chính phủ kiến tạo phát triển chỉ là một bộ phận của nhà nước kiến tạo phát triển và chỉ vận hành trong nhà nước kiến tạo phát triển. Hơn thế nữa, thuật ngữ mà thế giới sử dụng là nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state), chứ không hẳn là chính phủ kiến tạo phát triển (developmental government).
“Nhà nước kiến tạo” gồm những gì?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nhà nước kiến tạo là nhà nước phải hội tụ đủ ba yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, nhà nước kiến tạo phát triển phải hoạch định được đường lối phát triển cho đất nước (đặc biệt là đường lối công nghiệp hóa, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, xóa đói giảm nghèo...) và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường lối đó.
Thúc đẩy việc hiện thực hóa thì không có nghĩa là làm thay người dân và các doanh nghiệp, mà tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển. Hệ thống khuyến khích đó có thể hình thành từ chính sách chi tiêu công, thuế, tín dụng, thương quyền...
Ngoài ra, nhà nước còn cần phải phát huy ưu thế của nhà nước điều chỉnh là tạo ra khuôn khổ thể chế để từng người dân và các doanh nghiệp có thể dễ dàng làm ăn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do kế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ hai, nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Bởi vì đây là những nền tảng quan trọng nhất cho phát triển. Đồng thời nhà nước cũng cần cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cho công chúng.
Muốn làm được điều này, phải xây dựng được một bộ máy hành chính -công vụ hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả. Bộ máy này phải được tuyển dụng, bổ nhiệm nghiêm ngặt trên cơ sở của trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ ba, nhà nước phải biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn và giá rẻ hơn. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống chính trị là tài giỏi hơn và đạo đức hơn.
Việt Nam cần làm gì để có “nhà nước kiến tạo”?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Việt Nam từ khi đổi mới (1986) có mô hình gần giống với các nước Đông Bắc Á – nhà nước đề ra đường lối phát triển công nghiệp, can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, trong khi các nước Đông Bắc Á thành công thì Việt Nam lại thất bại.
Nhà nước kiến tạo là không hành dân, phải để người dân có cơ hội được phát huy hết năng lực của mình trong làm kinh tế và trong phát triển đất nước.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
“Nguyên nhân là vì chúng ta không có một bộ máy hành chính công vụ chuyên nghiệp, thuộc giới tinh hoa và độc lập như các nước đó”, ông Dũng nói.
Bình luận về việc xây dựng chính phủ kiến tạo, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, dù trong thời gian qua cụm từ này được nói đến nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa hình hành một khung khái niệm rõ rệt.
Nhìn vào các hoạt động của Chính phủ, của Thủ tướng, Tiến sĩ Dũng cho rằng có 4 bộ phận hợp thành chính phủ kiến tạo (theo quan điểm của Việt Nam), gồm: cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, đảm bảo cạnh tranh và cung cấp dịch vụ công chất lượng, giá rẻ.
Với một khuôn khổ khái niệm như trên, kể từ khi đổi mới (năm 1986), nhà nước ta quả thực đã từng bước chuyển mình sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Vấn đề là chúng ta cần sớm làm sáng tỏ hơn nữa khung khái niệm để có những bước tiến mạch lạc và vững chắc hơn.
“Phải chống cho được chủ nghĩa tư bản thân hữu. Nếu không quen quan chức chả làm ăn gì được thì cạnh tranh cái gì. Rõ ràng chủ nghĩa tư bản thân hữu là vấn đề rất lớn của thể chế. Và ở khung khái niệm bảo đảm môi trường cạnh tranh ở đây, không chống chủ nghĩa tư bản thân hữu không thể làm được”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, chính phủ đang nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Về cải thiện môi trường kinh doanh, Tiến sĩ Dũng nhận định, đó không chỉ là cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục mà quan trọng nhất phải là tự do tài sản, tự do kinh doanh, tự do khế ước, đảm bảo hợp đồng được thực thi và khi có tranh chấp thì xử lý được nhanh, hiệu quả.
“Một nguyên tắc của pháp quyền để đảm bảo môi trường kinh doanh là chính sách pháp luật phải đoán định được. Nếu rủi ro chính sách quá lớn thì không ai có thể nói môi trường kinh doanh đó tốt được. Nhà nước kiến tạo là không hành dân, phải để người dân có cơ hội được phát huy hết năng lực của mình trong làm kinh tế và trong phát triển đất nước”, Tiến sĩ Dũng nói.