Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tiền điện của người dân sẽ tăng, giảm ra sao với biểu giá mới?

(VTC News) -

Trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, cách tính sẽ rút xuống 5 hoặc 4 bậc, bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh như trước.

Như vậy, giá điện bán lẻ dự kiến thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, cao nhất 3.356 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng/kWh đang áp dụng.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng đề xuất rút gọn biểu giá điện tỏ ra tối ưu so với biểu giá 6 bậc hiện hành.

Theo tính toán, với hai phương án mới, nếu khách dùng từ 100 kWh trở xuống, tiền điện sẽ giảm gần 3.000 đồng/tháng so với biểu giá hiện hành. Nhưng nếu khách dùng trên 701 kWh mỗi tháng thì số tiền phải trả sẽ tăng lên khá nhiều (khoảng hơn 580.000 đồng theo phương án 5 bậc và hơn 370 đồng theo phương án 4 bậc). Trong khi đó, ở các mức tiêu thụ trong khoảng 200 - 700 kWh, tùy thuộc biểu giá điện 4 bậc hay 5 bậc mà có sự tăng giảm khác nhau.

“Biểu giá điện được đề xuất đơn giản, dễ hiểu, trên nguyên tắc người dùng nhiều sẽ phải trả nhiều tiền hơn, đáp ứng được tiêu chí an sinh xã hội”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

So với 6 bậc thang giá điện hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất hai phương án 4 bậc và 5 bậc. (Ảnh minh họa: EVN)

Tuy vậy, theo chuyên gia, cả hai phương án biểu giá điện mới đều chưa hoàn toàn khắc phục triệt để những hạn chế trong cách tính giá điện hiện nay. Ông Thịnh cho rằng giá điện nên được tính theo tiêu thụ đầu người, thay vì theo hộ dùng. Thực tế cho thấy, có hộ gia đình đông người, có hộ ít người. Hộ gia đình đông người, gồm nhiều gia đình nhỏ sống chung, sẽ tiêu thụ nhiều điện hơn nhưng chưa hẳn đã khá giả. Tiền điện cao sẽ là gánh nặng tài chính cho người lao động có thu nhập thấp.

Thứ nữa, cơ cấu biểu giá mới vẫn chưa làm rõ được việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và sinh hoạt.

Đồng quan điểm trên, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, nhận xét, có thể thấy phương án 4 bậc đem lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình sử dụng điện ở mức độ tiêu dùng trung bình (chiếm đa số trong các nhóm khách hàng sinh hoạt).

Trong khi với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 số trở lên sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Phương án này đáp ứng được tiêu chí an sinh xã hội, bởi những người sử dụng ít điện, khả năng chi trả thấp được hưởng lợi. Đồng thời, góp phần tác động đến hành vi tiêu dùng theo hướng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, khi các hộ sử dụng điện từ 700 số trở lên phải chi trả nhiều hơn so với biểu giá điện đang áp dụng.

"Phương án 5 bậc của Bộ Công Thương có lợi hơn cho đại đa số người dùng, gồm những hộ nghèo, hộ chính sách trong khi ngân sách không phải tăng phần chi trả. Người dùng ít điện sẽ không bị tăng tiền điện, trong khi những hộ tiêu dùng nhiều điện sẽ phải chi trả nhiều hơn, phù hợp với nguyên tắc khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả", ông Sơn phân tích.

Tương tự, GS.TS Trần Đình Long cho hay, theo thống kê, phần lớn hộ gia đình nằm trong dải tiêu thụ điện 300 kWh mỗi tháng. Nếu áp dụng phương án 5 bậc thì đa số người dùng điện sẽ không có nhiều thay đổi. Những hộ dùng nhiều điện, từ 400 - 700 kWh và hơn 700 kWh sẽ chịu tăng giá. Do đó, phương án 5 bậc có tác dụng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả tốt hơn phương án 4 bậc.

Phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn là Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa (Trường đại học Bách khoa) thực hiện.

Đề án đưa ra những đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trên cơ sở giữ nguyên cơ cấu khách hàng sử dụng điện như hiện nay gồm 4 thành phần là sản xuất; sinh hoạt; kinh doanh và hành chính sự nghiệp.

Việc phân bổ chi phí sản xuất, kinh doanh của ngành điện sẽ theo cấp điện áp và theo nhóm khách hàng sử dụng điện, trong đó giữ nguyên 5 giờ cao điểm như hiện hành, nhưng điều chỉnh khung giờ áp dụng.

Nhóm khách hàng kinh doanh sẽ bổ sung thêm cơ sở lưu trú, du lịch áp dụng giá bán lẻ điện bằng nhóm khách hàng sản xuất và các hộ kinh doanh khác. Gộp giá bán điện cho các bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông với chiếu sáng công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp đều nằm trong khối hành chính sự nghiệp.

Đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt vốn được người dân quan tâm nhất, đề án đề xuất áp dụng phương án 5 bậc trong biểu giá bán lẻ, tức là rút ngắn so với 6 bậc hiện hành. Cụ thể, bậc 1 sẽ áp dụng cho 100 kWh đầu tiên; bậc 2 áp dụng từ 101 - 200 kWh; bậc 3 áp dụng từ 201 - 400 kWh; bậc 4 áp dụng từ 401 - 700 kWh và bậc 5 áp dụng từ 701 kWh trở lên.

Bộ Công Thương đánh giá, đề án được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí, phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng điện nên đã dần xóa được việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện. Kết quả phân bổ chi phí là có cơ sở khoa học dựa trên số liệu của EVN và các đơn vị cung cấp, phù hợp với đặc điểm của hệ thống điện cũng như chi phí phát sinh cho từng khâu.

Tuy vậy, bộ này cho rằng với đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với cơ cấu được quy định tại quyết định 28, nên sẽ có tác động trực tiếp tới các nhóm khách hàng sử dụng điện.

Trong đó, với khách hàng sinh hoạt thì mức giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại có nhóm phải tăng tiền điện ở các mức độ khác nhau nên cần cân nhắc khả năng áp dụng và có lộ trình áp dụng phù hợp với thực tế.

Hòa Bình

Tin mới