Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tiêm kích Thụy Điển đột kích bất ngờ, huyền thoại Mỹ SR-71 suýt trả giá đắt

(VTC News) -

Máy bay do thám SR-71 của Mỹ luôn tự hào không thể bị bắn hạ suýt nữa đã nổ tung trên bầu trời khi bị phi công Thụy Điển đưa vào tầm ngắm.

Trong suốt nhiều thập kỷ, SR-71 ‘Blackbird’ được xem là huyền thoại của không quân Mỹ từ những năm 1960 đến 1990. Nó là chiếc máy bay nhanh nhất từng được chế tạo và nổi tiếng với huyền thoại chưa bao giờ bị bắn hạ dù nhiều lần thực hiện các nhiệm vụ do thám sâu bên trong lãnh thổ Liên Xô.

Máy bay do thám SR-71 Blackbird bay cao và nhanh hơn bất kỳ máy bay nào khác. 55 năm sau chuyến bay đầu tiên của SR-71, kỷ lục mà nó thiết lập vẫn chưa bị xô đổ với trần bay cao nhất lên đến 25,9 km và đạt tốc độ tối đa 3.529 km/h.

Máy bay do thám tầm xa SR-71 Blackbird - kỳ quan công nghệ hàng không của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: NASA)

Tuy nhiên, một báo cáo cho thấy “huyền thoại” về SR-71 chỉ là sản phẩm truyền thông của người Mỹ. Có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng không quân Thụy Điển từng suýt bắn hạ Blackbird khi nó hoạt động trái phép trong không phận nước này. Thông tin này được công bố đã tạo ra không ít ngạc nhiên đối với các nhà quan sát vì Thụy Điển và Mỹ luôn duy trì mối quan hệ hợp tác trên nhiều mặt.

National Interest dẫn lại báo cáo về sự việc trên từ trang hotcars.com cho biết, tiêm kích Saab 37 Viggen của không quân Thụy Điển đã khóa tên lửa vào một chiếc SR-71 và sẵn sàng khai hỏa khi nó bay qua không phận nước này mà không xin phép.

Điều này cũng cho thấy phòng không Thụy Điển đã phát hiện ra hoạt động của máy bay do thám Mỹ trước đó và bắt đầu tìm cách đánh chặn “máy bay lạ”.

Cũng theo báo cáo trên, cuộc chạm trán diễn ra vào tháng 1/1986 khi chiếc SR-71 bay theo tuyến đường thường được gọi là “Tàu tốc hành Baltic” - một khoảng không phận quốc tế hẹp nằm cạnh không phận Thụy Điển được máy bay Mỹ sử dụng để tiến vào vùng trời biển Baltic. Tuyến đường giúp máy bay do thám Mỹ tránh được sự phát hiện của radar Liên Xô nhưng lại dễ bị phía Thụy Điển phát hiện.

Đường bay xanh lam là tuyến bay thường xuyên của SR-71 (Mỹ) trên biển Baltic, còn đường bay vàng là khu vực không quân Thụy Điển tiến hành đánh chặn SR-71.

Được biết, các máy bay do thám Mỹ đã hoạt động ở vùng không phận quốc tế này từ đầu Chiến tranh Lạnh cho đến cuối những năm 1980, khu vực này sau đó không còn giá trị khi hệ thống radar cảnh giới Liên Xô được mở rộng ra cả châu Âu.

Báo cáo trên cũng cho biết không quân Thụy Điển đã vạch ra hẳn một kế hoạch chi tiết để đánh chặn SR-71. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng bởi máy bay Mỹ hoàn toàn có khả năng cho Saab 37 “hít khói” nếu nó đẩy tốc độ bay lên tối đa hơn 3.000 km/h.

Vì vậy để có thể đánh chặn SR-71, các phi công Thụy Điển đã đưa ra phương án cho Saab 37 leo cao thật nhanh ngay bên dưới máy bay do thám Mỹ khi phát hiện mục tiêu, sau đó đưa máy bay lên vận tốc siêu thanh để đối đầu trực diện.

Để đánh chặn một mục tiêu thông thường, phi công chiến đấu sẽ khóa tên lửa vào đuôi máy bay đối phương vì đây là vị trí yếu nhất. Tuy nhiên các phi công Thụy Điển lại quyết định khóa tên lửa về phía đầu của SR-71 và dẫn bắn bằng radar. Họ hiểu rõ cơ hội để tên lửa không đối không Skyflash có thể bắt kịp SR-71 trong hành trình siêu thành là nhiệm vụ bất khả thi.

Tiêm kích Saab 37 với tên lửa không đối không Skyflash. (Ảnh: Không quân Thụy Điển)

Đã có phương án đánh chặn, phi công Thụy Điển có tên là Per-Olof Eldh lái một chiếc Saab 37 nhanh chóng áp dụng những gì mình được huấn luyện vào việc đánh chặn một chiếc SR-71 trên vùng trời giữa Öland và Gotland vào tháng 1/1986. Eldh đã “khóa chết” máy bay do thám Mỹ nhưng không khai hỏa, cả hai sau đó chỉ bay lướt qua nhau.

Cũng chính Per-Olof Eldh sau đó tiếp tục đánh chặn thành công SR-71 thêm 5 lần nữa cùng với một cách đánh tương tự.

Các chuyên gia quân sự của National Interest nhận định sự kiện trên đã chứng minh rõ ràng là SR-71 không còn tự do bay đến bất cứ mà nó muốn nếu không muốn trả giá đắt. Cũng từ cuối những năm 1980, không quân Mỹ bắt đầu hạn chế các chuyến bay do thám bằng SR-71, một phần vì họ đã có các vệ tinh do thám, phần khác là muốn bảo vệ “huyền thoại” về Blackbird.

Trà Khánh

Tin mới