Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tiếc rẻ đồ ăn thừa, cả nhà phải trả giá bằng một tuần nằm viện

(VTC News) -

Các thành viên trong gia đình chị Trang đau bụng, tiêu chảy, phải nhập viện cấp cứu, sau khi sử dụng đồ ăn thừa từ tối hôm trước.

Nhà đông thành viên, nên mỗi bữa cơm, chị Trần Thị Trang (40 tuổi, Hà Nội) thường chế biến rất nhiều đồ ăn. Thức ăn thừa sẽ được chị bọc lại, bảo quản trong tủ lạnh, hôm sau đem ra nấu lại và sử dụng tiếp. Có hôm, tủ lạnh chật kín nên phải để thức ăn ở ngoài, dẫn đến một số món bị nhớt. Chị không bỏ đi mà cố gắng chế biến lại vì "tiếc rẻ".

Có lần, vừa ăn xong khoảng 30 phút, cả nhà thấy bụng âm ỉ khó chịu. Hai tiếng sau, họ đều đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và chóng mặt. Ban đầu, mọi người tự uống thuốc tiêu hóa, điện giải, rồi lên giường nằm nghỉ. Sau đó, cơn đau trở nên dữ dội và có người còn nôn ra máu. Lúc này chị Trang mới gọi xe đưa cả nhà đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán gia đình chị bị ngộ độc thực phẩm, phải nằm theo dõi tại bệnh viện suốt một tuần. 

Điều kiện kinh tế hạn hẹp, nên gia đình anh Trần Trung Kiên, 45 tuổi, Hà Nội thường xuyên sử dụng "cơm thừa, cỗ nguội" cho bữa ăn sau. Có lần vợ chồng anh bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa phải đến gặp bác sĩ mua thuốc về uống.

Dùng lại đồ ăn còn thừa từ bữa tối hôm trước là thói quen có hại cho sức khỏe. (Ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mùa hè, người dân nên cẩn trọng việc bảo quản, chế biến thực phẩm và ăn uống, bởi nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm mốc và tác nhân gây hại khác sinh sôi, phát triển nhanh.

Các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria gây ra. Ở 32 - 43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, chúng có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.

Với các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa thì nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập rất cao.

Trong khi đó, mùa hè nền nhiệt cao, hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Khi tiếp xúc với độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự.

Một số biểu hiện của ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, sốt. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời thì cơ thể bị mất nước và nhiễm độc nặng, có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, nếu các dấu hiệu ban đầu không được cải thiện và thấy nhịp tim nhanh, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu, tiêu chảy ra máu, sốt cao, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Chuyên gia cảnh báo, chúng ta cần mạnh dạn loại bỏ các loại thực phẩm bị nghi ngờ ôi thiu - kể cả thực phẩm chế biến sẵn chưa hết hạn sử dụng. Không nên vì “tiếc của” mà cố ăn những phần còn lại của thực phẩm bị mốc, bởi kể cả khi đã loại bỏ những phần mốc thì phần còn lại cũng không còn an toàn với người sử dụng.

NHƯ LOAN

Tin mới