Ngày 10/8, ông Lê Viết Thuận - chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết, chủ đầu tư thủy điện Đắk Kar (xã Đắk Ru, Đắk R’lấp) lý giải nguyên nhân bị kẹt van cửa xả nước vì cây củi, cây gỗ trôi về kẹt vào phay tràn.
Công nhân đang khẩn trương khắc phục sự cố.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì ông Thuận khẳng định không thấy gỗ kẹt dưới phay tràn như lý giải.
"Chủ đầu tư chủ quan, không nắm rõ tình hình dự báo thời tiết, lượng mưa, nghĩ rằng trời đang nắng, mực nước trong hồ đang khô kiệt nên chưa hoàn thiện, khi mưa to nước đổ về dồn dập thì sự cố ngay lập tức đã xảy ra, trở tay không kịp. Lượng nước lớn như vậy, thì nâng phay tràn bằng thủ công không thể nào thực hiện được. Nếu xảy ra trường hợp vỡ ống áp lực tại thủy điện này thì dẫn đến hậu quả khôn lường trước được", ông Thuận nói.
Sự cố vỡ đập tàn phá khu vực hạ du đập thủy điện.
Trong khi đó, trả lời phóng viên, ông Chu Văn Quyền - giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đắk Kar (xã Đắk Ru, Đắk R’lấp) xác nhận, công nhân đã cắt được những cây gỗ kẹt dưới cửa van và sắp nâng được phay tràn.
"Sự cố kẹt van cửa xả nước tại đập thủy điện sắp được khắc phục xong. Nguyên nhân của việc ‘tích nước’ bất ngờ là do đây là hồ mới, chưa vận hành nên nhiều cây củi, cây gỗ trôi về kẹt vào phay tràn khiến cửa van không nâng lên được. Sự cố khiến ống áp lực bị vỡ và cũng may vì thế nước trong hồ mới giảm sâu hơn 3m", ông quyền lý giải nguyên nhân.
Liên quan đến vụ việc, đại diện Sở Công thương Đắk Nông cho biết, hiện nhà máy thủy điện Đắk Kar chưa có cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào phê duyệt quy trình vận hành của nhà máy này do công trình này đang xây dựng, chưa hoàn thành.
Vị này nói thêm, sắp tới cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá và kiểm tra các quy trình hoạt động của nhà máy thủy điện này.
Trước đó, ngày 8/8, lượng nước đổ về hồ lớn nhưng chủ đầu tư đã không chủ động các phương án nên đến khi xả nước thì cửa van gặp sự cố, không mở lên được. Sau đó, nước tràn qua thân đập, gây nguy cơ vỡ đập nên lực lượng chức năng 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông di dời hàng ngàn người dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, phòng thủy điện Đắk Kar vỡ đập.
Theo đó, tỉnh Bình Phước đã di dời khoảng 5.000 người dân ở 4 xã gồm: Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà của huyện Bù Đăng. Những hộ dân này được sắp xếp ăn ở trên các khu vực cao và ở nhờ nhà người quen. Tại Đắk Nông lực lượng chức năng cũng kêu gọi, di dời 200 hộ dân với gần 500 người về nơi an toàn.