Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Năm 2024 không lo thiếu điện

(VTC News) -

Chúng tôi có đủ cơ sở tin tưởng năm 2024 và những năm tiếp theo không còn xảy ra việc thiếu điện.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 diễn ra chiều 29/3.

Không lo thiếu điện

Trả lời tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Tân cho biết, việc để xảy ra thiếu điện như năm 2023 là một sự cố rất đáng tiếc và Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để khắc phục. Đồng thời Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tìm mọi giải pháp khắc phục.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp để không lo thiếu điện.

"Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo EVN rà soát, cập nhật các yếu tố đầu vào như tốc độ tăng trưởng phụ tải điện, thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tiến độ nguồn điện, lưới điện, khả năng cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) để tính toán, cập nhật kế hoạch đảm bảo cung ứng điện cho các tháng cao điểm mùa khô sắp tới (từ tháng 4 đến tháng 7)", Thứ trưởng Tân nói.

Trên cơ sở tính toán cập nhật của EVN, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ Công Thương sẽ rà soát, cập nhật lại kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 nhằm đảm bảo cung cấp đủ, liên tục nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu than, khí cho nhu cầu sản xuất điện.

Cùng với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các thiết bị của nhà máy điện, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng để đảm bảo độ khả dụng cao nhất của các tổ máy phát điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện ở khu vực miền Bắc.

Chỉ đạo điều tiết hợp lý các hồ chứa thủy điện với mục tiêu đảm bảo dự phòng công suất điện năng của hệ thống điện ở mức cao nhất có thể trong các tháng cao điểm mùa khô.

Yên cầu EVN tăng cường công tác rà soát hành lang lưới điện truyền tải 500-220kV, kiểm tra các thiết bị trên hệ thống truyền tải điện để kịp thời phát hiện và khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế thấp nhất các trường hợp sự cố có thể xảy ra.

Đồng thời, Bộ Công Thương kêu gọi các địa phương đơn vị, người dân, doanh nghiệp triệt để thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nhất là nhóm khách hàng sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn.

Điều chỉnh giá điện phải hợp lý

Liên quan đến vấn đề EVN được quyền điều chỉnh giá điện 3 tháng/ lần, đại diện Cục điều tiết Điện lực cho biết: Việc rút ngắn thời gian điều hành giá điện không có nghĩa là cứ 3 tháng là điều chỉnh giá điện 1 lần, mà việc điều chỉnh giá điện còn tuỳ thuộc vào đánh giá tác động của kinh tế vĩ mô, kết quả tính toán của cập nhật giá điện đã đủ định mức để điều chỉnh hay chưa.

Điều chỉnh giá điện phải có lộ trình, không gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN, phù hợp với biến động của giá đầu vào và theo định hướng thị trường cũng như phù hợp với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Điều chỉnh giá điện phải có lộ trình. (Ảnh: EVN).

Về đảm bảo công bằng, minh bạch trong điều hành giá điện, đại diện Cục điều tiết Điện lực cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo việc điều chỉnh giá điện phù hợp với điều hành thị trường năng lượng nói chung.

“Việc điều chỉnh giá cũng phải đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, phù hợp giữa chi phí đầu vào cũng như hài hoà lợi ích của người tiêu dùng và không tác động lớn đến nền kinh tế”, đại diện Cục điều tiết điện lực cho biết.

PHẠM DUY

Tin mới